Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng GDP khi số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày vượt 20.000

05/08/2021 10:15 GMT+7
Ngân hàng Trung Ương Thái Lan hôm 3/8 đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong năm nay trong bối cảnh biến thể delta lây lan rộng gây nên làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng tại quốc gia này.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết trong một tuyên bố hôm 4/8 rằng nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm 2021 và 3,7% trong năm 2022. Trước đó, trong dự báo hồi tháng 6, Ngân hàng này ước tính tăng trưởng GDP của Thái Lan năm 2021 là 1,8% và năm 2022 là 3,9%. Còn một dự báo hồi đầu năm thậm chí lạc quan cho rằng Thái Lan có thể đạt tăng trưởng 3,0% vào năm 2021 và 4,7% vào năm 2022.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể delta tại Thái Lan và các tác động nghiêm trọng của nó với chi tiêu tiêu dùng cũng như hoạt động du lịch đã buộc các nhà chức trách nước này hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm 2021 và 2022.

Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng GDP khi số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày vượt 20.000 - Ảnh 1.

Thái Lan báo cáo hơn 20.000 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 4/8, một mức cao kỷ lục (Ảnh: AP)

Hôm 4/8, Thái Lan báo cáo 20.200 ca nhiễm mới Covid-19 và 188 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên nước này báo cáo hơn 20.000 ca nhiễm trong một ngày kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát đến nay. Biến thể delta với khả năng lây lan nhanh chóng đang buộc các nhà chức trách Thái Lan áp dụng các lệnh giới nghiêm tại nhiều địa phương, bao gồm cả thủ đô Bangkok. Các biện pháp phong tỏa kiểm dịch nghiêm ngặt được gia hạn cho đến ít nhất hết ngày 18/8, và có khả năng được duy trì đến cuối tháng nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện.

Lo sợ trước sự bùng phát dịch bệnh, nhiều người dân Thái Lan đã chọn cách ở yên tại nhà, do đó cắt giảm chi tiêu tiêu dùng. Lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch lần này. 

"Rủi ro suy giảm đối với triển vọng kinh tế vẫn còn đáng kể do nguy cơ dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở Thái Lan cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác. Ủy ban Chính sách Tiền tệ sẽ theo dõi chặt chẽ những rủi ro này cũng như tác động của nó đến chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thị trường việc làm, thu nhập người lao động cũng như lượng khách du lịch quốc tế” - Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết trong một tuyên bố.

Việc hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan là xu hướng phù hợp với dự báo của các nhà phân tích trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 tấn công nền kinh tế. Chayavadee Chai-anan, Giám đốc cấp cao của Vụ Kinh tế vĩ mô trực thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho hay trong kịch bản lạc quan nhất nếu lệnh đóng cửa được dỡ bỏ vào giữa tháng 8, thì làn sóng dịch hiện tại do biến thể delta gây ra vẫn sẽ làm giảm GDP khoảng 0,8%. Trong tình huống dịch bệnh kéo dài đến cuối năm, nó có thể thổi bay khoảng 2% trong tăng trưởng GDP.

Khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Ngân hàng Trung ương Thái Lan quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,5% nhưng đang tính đến các biện pháp nới lỏng hơn chính sách tiền tệ. Biên bản họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ cho thấy trong số 7 thành viên trực thuộc hội đồng lãnh đạo Ngân hàng Trung ương, có 2 thành viên bỏ phiếu ủng hộ cắt giảm lãi suất 0,25% trong khi 4 thành viên đồng thuận giữ nguyên lãi suất hiện tại - vốn đã ở mức thấp kỷ lục. Một thành viên còn lại không tham gia cuộc họp. “Ủy ban sẵn sàng sử dụng mọi công cụ chính sách tiền tệ bổ sung nếu cần thiết” - tuyên bố của Ngân hàng Trung ương nhấn mạnh.

Một giám đốc ngân hàng thương mại quốc tế tại Thái Lan cho hay: “Hai lá phiếu nhất trí giảm lãi suất đã làm tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai”.


NTTD
Cùng chuyên mục