Thái Nguyên đứng thứ 2 toàn quốc về chỉ số PAPI năm 2023

03/04/2024 06:00 GMT+7
Theo thông tin công bố chỉ số PAPI năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt 45,7875 điểm, nằm trong nhóm cao, đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau Thừa Thiên Huế.

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.

Thái Nguyên đứng thứ 2 toàn quốc về chỉ số PAPI năm 2023- Ảnh 1.

Toàn cảnh Lễ công bố Chỉ số PAPI năm 2023. Ảnh: Hữu Quyết

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đạt 45,7875 điểm, nằm trong nhóm cao, đứng thứ 2 toàn quốc (chỉ sau Thừa Thiên Huế) về chỉ số PAPI. Trong đó có 6/8 chỉ số được xếp vào nhóm cao nhất là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị điện tử. Đáng chú ý, chỉ số "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" đạt số điểm cao nhất toàn quốc, với 5,9081 điểm.

Năm 2023, Thái Nguyên có sự cải thiện vượt bậc về điểm số, tăng 2,7775 điểm (năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 43,01 điểm). Qua đó, thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành, sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.

Thái Nguyên đứng thứ 2 toàn quốc về chỉ số PAPI năm 2023- Ảnh 2.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (hàng đầu tiên thứ nhất từ trái sang) dự Lễ công bố Chỉ số PAPI năm 2023. Ảnh: Hữu Quyết

Mục tiêu chính của chỉ số PAPI là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân tại Việt Nam. Chỉ số PAPI cung cấp dữ liệu thống kê hỗ trợ theo dõi và đánh giá hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nghĩa vụ của các cơ quan công quyền được ghi trong Hiến pháp, pháp luật, quy định và chính sách của Nhà nước. Chỉ số thúc đẩy khả năng đáp ứng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, đồng thời góp phần hiện thực hóa các quyền căn bản của con người, bao gồm quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng, bất kể giới tính, dân tộc, mức sống, tình trạng hộ khẩu, mức độ khuyết tật.

Cho đến nay, chỉ số PAPI đã thu thập dữ liệu về quan điểm và trải nghiệm của gần 200.000 công dân được chọn mẫu ngẫu nhiên. Bằng phương pháp luận khách quan, khoa học và hiện đại, chỉ số PAPI từng bước góp phần thay đổi tư duy của các cấp chính quyền theo hướng cởi mở với kết quả đánh giá từ bên ngoài bộ máy Nhà nước và với phản hồi của người dân về hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công. Kết quả PAPI đã được tất cả 63 chính quyền cấp tỉnh sử dụng để định hướng các kế hoạch hành động nhằm phúc đáp các ý kiến phản hồi và kỳ vọng của người dân.

Năm 2023, khảo sát PAPI có thêm một số chỉ tiêu đánh giá làm cơ sở theo dõi việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa phương châm lấy người dân làm trung tâm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân".

PAPI cũng cung cấp bằng chứng cho các cuộc thảo luận chính sách về minh bạch thông tin đất đai và quyền sử dụng đất trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV năm 2023, song việc phê duyệt đã được chuyển sang đầu năm 2024. Năm 2023 cũng chứng kiến nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Do đó, Chỉ số PAPI cũng đưa thêm một số tiêu chí đánh giá về hiệu quả cung ứng dịch vụ công điện tử trên môi trường mạng từ trải nghiệm của người dùng là công dân.

Thông qua đó, Chỉ số PAPI cung cấp dữ liệu cơ sở để các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương nắm bắt được kế hoạch thực hiện chính phủ điện tử, chính phủ số đến năm 2025 đang được triển khai như thế nào trên thực tế. Kể từ năm 2021, dữ liệu PAPI và phát hiện nghiên cứu chuyên đề trong lĩnh vực này đã mang lại những hiểu biết sâu sắc về những thách thức mà chính quyền địa phương và người dân – đặc biệt là những người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và người khuyết tật – gặp phải trên hành trình hướng tới hiện đại hóa, số hóa, cải thiện hiệu quả các giao dịch giữa chính quyền và công dân. Cam kết của Chính phủ trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ ảo trong hoạt động của chính quyền và cung cấp dịch vụ công sẽ đặt ra cả thách thức và cơ hội cho người dân trong kỷ nguyên số. Chỉ số PAPI sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện cam kết này trong năm 2024.

Hà Thanh - Kiều Hải
Cùng chuyên mục