Thân thế bất ngờ của bà Lê Thị Giàu - người kiện CEO Phương Hằng, đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng

04/06/2021 07:57 GMT+7
Thân thế của bà Lê Thị Giàu - người kiện CEO Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng khiến nhiều người tò mò.

Thời gian gần đây, câu chuyện bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty cổ phần Đại Nam bị khởi kiện, đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng vì những phát ngôn trên các buổi livestream nhận được nhiều sự chú ý. 

Người kiện CEO Phương Hằng là bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Bình Tây.

Theo nữ doanh nhân này, bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ trong livestream gần đây mới nhắc đến bà với những lời lẽ không đúng sự thật như gọi bà là "Doanh nhân siêu lừa đảo", "ép bức sư Bửu Chánh - trụ trì chùa Phước Sơn - trả lại tiền và xe cho bà Hằng", "quản lý thùng tiền công đức của nhà chùa"... đồng thời xúc phạm uy tín những nhãn hàng bà đang nắm giữ mà khoảng thời gian trước đó cũng đã nhiều lần nhắn tin xúc phạm, đe dọa bà.

Theo đó, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Bình Tây đã kiện đòi bà Phương Hằng bồi thường với số tiền lên tới 1.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Etime, bà Lê Thị Giàu (SN 1959) được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (Bình Tây Food). Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 1963, có nhà máy tại TP HCM và Đồng Nai.

Bình Tây Food chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, cụ thể là những sản phẩm liên quan đến thực phẩm chay ăn liền như mì ăn liền, phở ăn liền và những sản phẩm chủ yếu sản xuất từ gạo như bánh tráng, bún tươi, bún gạo, mì ăn liền, gia vị, nước tương, bánh hỏi...

Một số sản phẩm đáng chú ý của Bình Tây gồm Mỳ Bình Tây 2 Tôm, Mỳ Hai Cua và cả sản phẩm Mỳ chay Lá Bồ Đề lẫn dầu Nhị Thiên Đường - cái tên được bà Phương Hằng nhắc tới nhiều lần trong các buổi livestream.

Chân dung nữ doanh nhân vừa kiện bà Nguyễn Phương Hằng, đòi bồi thương 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Giàu (Ảnh: Bình Tây Food).

Đặc biệt, sản phẩm chay do Bình Tây Food sản xuất khá phổ biến tại thị trường miền Nam, xuất hiện nhiều trong lễ Vu Lan và các lễ cúng tại chùa. Sản phẩm của Bình Tây Food cũng xuất hiện tại các kệ hàng ở nhiều siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn xuất khẩu đến nhiều khu vực, quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan,…

Thông tin từ cổng đăng kí doanh nghiệp quốc gia, CTCP thực phẩm Bình Tây đăng ký 37 ngành kinh doanh, trong đó, lĩnh vực chính là sản xuất thực phẩm và các sản phẩm từ ngũ cốc. Tháng 5/2020, công ty tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

Trong năm tài chính 2019, doanh thu thuần của Bình Tây Food là 33,7 tỷ đồng. Trong ba năm liền trước đó, doanh thu công ty có lên có xuống, lần lượt là 42 tỷ đồng; 45,7 tỷ đồng và 32,4 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, công ty không có lãi.

Cụ thể, năm 2016 công ty lỗ sau thuế 16 tỷ đồng. Các năm sau đó công ty đều có lợi nhuận sau thuế âm, lần lượt 6,1 tỷ đồng; 3,9 tỷ đồng và 4,7 tỷ đồng.

Vào thời điểm những năm 2018, bà Lê Thị Giàu từng vướng phải lùm xùm liên quan đến lừa đảo đất đai, chiếm đoạt tài sản.

Theo Thanh Niên, toàn bộ gần 60 doanh nghiệp tại cụm công nghiệp (CCN) ở Phước Tân do bà Lê Thị Giàu làm chủ đã bị các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế và tháo dỡ hàng loạt nhà xưởng do không đủ tiêu chuẩn thành lập CCN tự quản và trái quy hoạch của Thủ tướng chính phủ quy định.

Chân dung doanh nhân Lê Thị Giàu - người khởi kiện đòi bà Phương Hằng 1.000 tỷ - Ảnh 4.

Khu công nghiệp do bà Giàu làm chủ từng vướng vòng lao lí

Bất chấp sai phạm, Công ty của bà vẫn phân lô bán nền cho các doanh nghiệp khác khiến họ lâm vào cảnh khốn cùng. Những doanh nghiệp này đồng loạt gửi đơn kêu cứu đến chính quyền Đồng Nai vì đã bỏ vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, xây dựng trên 150.000m2 diện tích nhà xưởng để sản xuất, với tổng số công nhân trên 2.000 người, nhưng đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ".

Đáng nói hơn, theo nguồn tin của Tạp chí điện tử Bất Động Sản Việt Nam, bà Lê Thị Giàu đã không xuất hiện ở CCN này trong thời gian dài vụ việc xảy ra. Cũng theo báo này, vào năm 2009, Công ty Tấn Hưng (một công ty khác do bà Giàu đứng tên) đã tự ý đóng cọc trái phép trên sông Chợ Đệm thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM. Hơn 30 cột điện loại lớn được Công ty Tấn Hưng tận dụng làm cọc bê tông đang cắm thẳng xuống lòng sông.

Cùng với đó là một loạt nghi vấn xoay quanh việc bà Giàu đã dùng tiền mua bằng Tiến sĩ. Tuy nhiên, sự việc này vẫn chưa được bất cứ một cơ quan chức năng nào đứng ra đính chính hay xác minh thật giả.

Chính những tai tiếng này khiến người ta nghi vấn liệu việc bà Giàu thường xuyên ra mặt trong các chương trình thiện nguyện là từ tâm hay chỉ để đánh bóng tên tuổi.

Vài ngày gần đây, CTTCP Bình Tây Food liên tiếp nhận bão đánh giá 1 sao trên Google Maps. Chưa kể, website của công ty cũng không thể truy cập được.


PV
Cùng chuyên mục