Thanh khoản căn hộ lao dốc vì điểm nghẽn tín dụng
Theo đó, thị trường chung tiêu thụ được 1.171 căn, giảm một nửa so với tháng trước và chỉ bằng 17% so với tháng 5. So với cùng kỳ năm trước, số này giảm tới 85%.
Thanh khoản kém trong bối cảnh thị trường giữ được nguồn cung ổn định. Tháng 7, toàn vùng có gần 2.200 căn bán ra từ 13 dự án, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ theo ghi nhận chỉ đạt 54%.
DKRA Việt Nam ghi nhận riêng tại TP HCM nguồn cung chủ yếu ở khu Đông (TP Thủ Đức), chiếm 56%. Tỷ lệ hấp thụ chung của các dự án mới cũng ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, dao động khoảng 40 - 60%.
Do đó, mặt bằng giá sơ cấp lẫn thứ cấp không có nhiều biến động. TP HCM - nơi có nguồn cung chiếm 62% toàn thị trường - ghi nhận giá cao nhất 176 triệu đồng/m2, thấp nhất 48 triệu đồng/m2. Bình Dương - chiếm 38% nguồn cung còn lại - giá cao nhất 46,6 triệu đồng/m2.
Báo cáo chỉ ra nguyên nhân dẫn tới thanh khoản thấp, giá không biến động phần lớn đến từ điểm nghẽn phê duyệt giải ngân hồ sơ vay mua nhà. Trong 2 tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm soát tín dụng, điều đó tác động lên thị trường cũng như tâm lý e ngại trước những diễn biến vĩ mô trong thời gian tới.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam nhận định trong thời gian tới, với thông tin Ngân hàng Nhà nước không nới “room” tín dụng, các nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ, thị trường bất động sản nói chung cũng như phân khúc căn hộ nói riêng có thể phải đối mặt với những khó khăn nhất định.
Nguồn cung mới đưa ra thị trường suy giảm. Sức cầu thị trường ở mức trung bình, khó có đột phá trong ngắn hạn do người mua gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ở mức cao trước áp lực chi phí đầu vào. Trong khi đó, giá bán cũng như thanh khoản thứ cấp có thể có sự điều chỉnh giảm ở người bán vì nhu cầu thu hồi dòng tiền nhanh, giảm áp lực thanh toán lãi vay.