Tổng Công ty Tín Nghĩa nói gì sau kết luận của Thanh tra Chính phủ?
Cụ thể, CTCP Tổng Công ty Tín Nghĩa (UPCoM: TID) cho biết, trải qua quá trình phát triển, đến ngày 31/12/2014 (thời điểm chốt số liệu để xác định giá trị doanh nghiệp) tổng tài sản theo giá trị sổ sách kế toán của Tổng Công ty là 5.709 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 863 tỉ đồng.
Ngày 25/9/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Tín Nghĩa (nay là Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa).
Theo Quyết định 25-QĐ/TU ngày 10/11/2015 về việc công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng Công ty Tín Nghĩa, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (giá trị nguồn vốn chủ sở hữu) được xác định là 1.439 tỉ đồng, tăng hơn 575 tỉ đồng so với giá trị nguồn vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán.
Sau khi thực hiện bán cổ phần, phần vốn của Tỉnh ủy Đồng Nai trong Công ty cổ phần là 779 tỉ đồng (chiếm 50% vốn điều lệ), tổng số tiền bán cổ phần chủ sở hữu (Tỉnh ủy Đồng Nai) thu về 650,4 tỉ đồng, số tiền để lại Công ty cổ phần là hơn 124,5 tỉ đồng.
Theo đó, phía Tổng Công ty Tín Nghĩa khẳng định, từ khi thành thành lập đến thời điểm thực hiện phương án cổ phần hóa và chuyển sang CTCP, nguồn vốn của tỉnh ủy được bảo toàn và phát triển.
Sau cổ phần hoá, Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.558 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng.
Do vậy, phần vốn của Tỉnh ủy Đồng Nai tại Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa hiện nay như sau: Số lượng cổ phần là 96.125.000 cổ phần. Tỉ lệ sở hữu/vốn điều lệ: 48,06%; tương ứng giá trị theo mệnh giá: 961 tỉ đồng.
Đối với các hạn chế, vi phạm Thanh tra Chính phủ chỉ ra liên quan đến vi phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng Công ty Tín Nghĩa đã chỉ ra nhiều nguyên nhân.
Đối với nguyên nhân khách quan, Tổng Công ty Tín Nghĩa là đơn vị thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai, một trong những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa sớm của tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tổng Công ty thiếu kinh nghiệm, khối lượng công việc là rất lớn trong khi tổng thời gian phải hoàn thành việc bán cổ phần kể từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định là 18 tháng.
Trong đó, một số nội dung vi phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp là các vấn đề khó khăn, vướng mắc thực tế, được Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, trao đổi, để quyết định và công khai theo quy định.
Đối với nguyên nhân chủ quan, Tổng Công ty Tín Nghĩa nêu do các thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Hội đồng thẩm tra xác định giá trị doanh nghiệp Tổng Công ty chưa nghiên cứu kỹ các quy định về cổ phần hóa để thẩm tra kết quả định giá của đơn vị tư vấn.
Đối với phần chênh lệch giữa kết quả xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp chiết khẩu dòng tiền tự do và phương pháp giá trị tài sản ròng được lựa chọn là gần 1.274 tỷ đồng: Tại kết luận thông báo kết luận thanh tra ngày 25/9/2024 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ là theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư 127/20214/TT-BTC thì Tổng Công ty Tín Nghĩa không thuộc thuộc trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu vì tỉ suất sinh lợi bình quân trên vốn nhà nước 5 năm liền trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 3,78%, thấp hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tại thời điểm 29/12/2014 là 6,19%.
Đến thời điểm công bố kết luận thanh tra, vụ việc vẫn đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, xác minh.
"Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ theo nội dung kết luận; đồng thời phối hợp với Cơ quan Cánh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai trong việc cung cấp hồ sơ và giải trình khi có yêu cầu", Tổng Công ty Tín Nghĩa khẳng định.