Thị trường cà phê ngày 14/5: Dứt đà tăng, đảo chiều giảm nhẹ
Thị trường cà phê trong nước giảm theo đà giảm của thị trường cà phê thế giới. Mức thấp nhất ở 30.300 đồng/kg tại Lâm Đồng, cao nhất là 31.200 đồng/kg chốt tại Đắk Lăk, 31.100 đồng/kg tại Gia Lai và 30.900 đồng/kg tại Đắk Nông.
Trên thị trường thế giới, cuối phiên giao dịch hôm 13/5, giá cà phê robusta giao trong tháng 7/2019 giảm nhẹ xuống 1.363 USD/tấn. Giá cà phê arabica giảm 0,8% xuống 90 UScent/lb.
Áp lực giảm giá vẫn đè nặng lên các thị trường cà phê thế giới khi các nước sản xuất ở khu vực Nam Mỹ như Brazil, Peru hiện đang thu hoạch vụ mùa mới năm nay và tiếp theo vào đầu tháng tới là thu hoạch vụ mùa Mitaca của Colombia. Đây cũng là cơ sở để giới thương mại dự kiến giá cà phê sẽ còn trì trệ trong vài tháng tới.
Theo báo cáo sơ bộ của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê (chủ yếu là robusta) trong tháng 4 đạt 143.296 tấn (tương đương 2.388.267 bao), giảm 16,7% so với tháng trước, đưa khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 lên đạt 631.946 tấn (khoảng 10,52 triệu bao), giảm 13,1% so với khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018.
Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng khối lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường Italia (tăng 20,2%), Tây Ban Nha (tăng 17,3%), Philippin (tăng 4,6%), Nga (tăng 1,6%), Bỉ (tăng 12,6%), Anh (tăng 8,8%), Trung Quốc (tăng 12,4%), Malaysia (tăng 49,8%) không đủ bù đắp cho sự suy giảm khối lượng xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức (giảm 13%), Mỹ (giảm 19,8%), Nhật Bản (giảm 12,5%), Angiêri (giảm 25,2%), Hàn Quốc (giảm 11,2%), Pháp (giảm 14%), Ấn Độ (giảm 33,7%).
Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 12,5% và 9,9%. Brazil được mùa với trên 60 triệu bao (tương đương 3,6 triệu tấn) cộng với đồng nội tệ của Brazil mất giá so với đồng đô la Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cà phê Brazil. Xuất khẩu cà phê Brazil trong tháng 3/2019 tăng 10,3% so với cùng kỳ 2018 trong đó riêng xuất khẩu cà phê robusta tăng đến 582%.