Thị trường châu Á đỏ sàn sáng nay khi chứng khoán phố Wall lao dốc mạnh đêm qua

20/07/2021 10:15 GMT+7
Thị trường chứng khoán châu Á Thái Bình Dương đã giảm trong phiên giao dịch sáng 20/7 do chịu ảnh hưởng của đợt bán tháo mạnh mẽ đêm qua trên phố Wall.

Chứng khoán châu Á đỏ sàn

Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản tụt 0,63% trong khi chỉ số Topix giảm 0,79%.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,31%.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng giảm vào đầu phiên giao dịch 20/7 với Shanghai Composite giảm 0,56% và Shenzhen Component mất 0,18%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng gần như đi ngang.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tụt 0,37%.

Chỉ số chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương MSCI mở rộng ngoại trừ Nhật Bản giao dịch thấp hơn 0,19%.

Các thị trường ở Indonesia, Malaysia và Singapore đóng cửa vào cùng ngày để nghỉ lễ.

Đà bán tháo đêm qua trên phố Wall được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra mức sụt giảm trong phiên giao dịch sáng nay trên các sàn chứng khoán châu Á. Cụ thể, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đêm qua tụt 725,81 điểm xuống 33.962,04 điểm trong khi S&P 500 giảm 1,59% xuống 4.258,49 điểm và Nasdaq Composite giảm 1,06% xuống 14.274,98 điểm.

Thị trường châu Á đỏ sàn sáng nay khi chứng khoán phố Wall lao dốc mạnh đêm qua - Ảnh 1.

Thị trường châu Á đỏ sàn sáng nay khi chứng khoán phố Wall lao dốc mạnh đêm qua (Ảnh: CNBC)

Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ tháng 10/2020 đến nay. Đà lao dốc đột ngột của chứng khoán Mỹ bắt nguồn từ mối quan ngại của nhà đầu tư rằng sự lây lan và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện tại sẽ tàn phá đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Chỉ số biến động Cboe được xem là thước đo nỗi sợ hãi trên phố Wall đã tăng cao tới 25, mức cao nhất từ tháng 5 năm nay trong bối cảnh thị trường bán tháo.

Một số quốc gia Đông Nam Á hiện đang phải vật lộn với sự bùng phát trở lại của đại dịch. Goldman Sachs gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 với hầu hết các nước trong khu vực do tình trạng số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày tăng nhanh buộc các chính phủ siết chặt biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt.

Tại Mỹ, các trường hợp nhiễm mới Covid-19 cũng tăng trở lại trong tháng 7 qua khi biến thể virus delta lan rộng ở những người chưa được tiêm chủng. Theo dữ liệu của CDC, Mỹ ghi nhận bình quân gần 26.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào tuần trước, tăng từ mức bình quân 11.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong khoảng cùng kỳ tháng trước.

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đứng trước thách thức lớn khi biến chủng virus delta lan rộng.

Tiền tệ và dầu mỏ

Chỉ số đồng USD theo dõi sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ hiện đã tăng lên mức 92,849 sau khi được nhìn thấy ở mức dưới 92,8 gần đây.

Đồng Yen Nhật (JPY) giao dịch ở mức 1 USD đổi 109,48 Yen, mạnh hơn mức trên 110,5 Yen đổi 1 USD tuần trước. Đồng AUD của Úc giao dịch ở mức 1 AUD đổi 0,7339 USD.

Giá dầu cao hơn vào buổi sáng theo giờ giao dịch châu Á khi giá dầu Brent chuẩn quốc tế giao sau tăng 0,52% lên 68,98 USD/ thùng còn hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ tăng 0,74% lên 66,91 USD / thùng.

Trước đó trong phiên giao dịch đêm qua trên sàn Mỹ, giá dầu đã giảm sâu do quan ngại tăng trưởng chậm lại cũng như việc OPEC+ đồng thuận tăng dần cung dầu vào thị trường. Giá dầu WTI kỳ hạn giao sau có thời điểm giảm 7,5% xuống 66,42 USD / thùng.

Hôm 20/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố không thay đổi lãi suất tham chiếu đối với các khoản vay doanh nghiệp và hộ gia đình. Cụ thể, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm giữ ổn định ở mức 3,85% trong khi LPR 5 năm cũng giữ nguyên ở mức 4,65%.


NTTD
Cùng chuyên mục