Thị trường chứng khoán 29/7: Đã theo xu hướng tiêu cực
TVSI: Rung lắc
VN-Index đóng cửa tại 813,36 điểm, tăng 28,19 điểm. Thị trường hồi phục mạnh trên diện rộng. Trong khi đó, thanh khoản đạt 4.519 tỷ, phiên thứ 2 liên tiếp nhưng vẫn duy trì trên mức bình quân 20 phiên gần nhất.
Thị trường tăng điểm mạnh mẽ nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng. Tuy nhiên với việc chỉ số đã tiếp cận vùng kháng cự 800 – 820 điểm, diễn biến rung lắc có thể xuất hiện trong phiên giao dịch tiếp theo. Mặc dù vậy rủi ro hình thành xu hướng giảm giá không được đánh giá cao ở thời điểm hiện tại.
Chúng tôi cho rằng NĐT ngắn hạn không nên mua đuổi ở thời điểm hiện tại. Trong khi NĐT trung và dài hạn có thể tận dụng những phiên giảm mạnh để tích lũy cổ phiếu. Vùng hỗ trợ 750 – 770 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo 690 – 710 điểm. Vùng kháng cự 800 – 820 điểm.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:
Nhóm KCN hồi phục mạnh mẽ. Duy trì đánh giá khả quan đối với nhóm này ở thời điểm hiện tại.
Nhóm Thép tăng mạnh. HPG hồi phục sau khi giảm về vùng hỗ trợ. Tuy nhiên dao động giá ngắn hạn vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang.
Nhóm Chứng khoán hồi phục mạnh mẽ theo thị trường chung nhưng khó kỳ vọng bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại.
BVSC: Áp lực giảm điểm
Trong phiên hôm qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index lần lượt là VHM, VNM và BID khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 4,66, 3,21 và 2,63 điểm tăng. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là VJC, PGD và SGR khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,22, 0,05 và 0,02 điểm.
Thị trường chứng khoán 29/7 dự báo sẽ gặp áp lực giảm điểm trở lại từ vùng 813-821 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Diễn biến và tình hình kiểm soát Covid-19 cùng với thông tin kết quả kinh doanh quý II sẽ là các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead… có thể khiến cho thị trường và các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số trên có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Chiến lược đầu tư:
- Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu.
- Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.
VDSC: Cần thời gian để xác định xu hướng
VN-Index đã tăng lại +28,19 điểm (+3,59%) trong ngày hôm nay, đóng cửa tại 813,36. Mặc dù điểm số tăng mạnh nhưng thanh khoản lại thấp hơn phiên trước 60 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ số Vnindex sau khi giảm mạnh về vùng hỗ trợ 780 đã bật tăng trở lại. Tuy nhiên chỉ báo ADX và MACD vẫn chưa thể hiện tích cực, cho thấy chỉ số này tạm phục hồi nhưng mức độ rủi ro vẫn còn. Chỉ số Vnindex cần thêm thời gian ngắn để xác định vùng 780 là vùng đáy ngắn hạn.
HNX-Index bật tăng trở lại +5,13 điểm (+4,99%) và đóng cửa cao nhất tại vùng 107,98. Thanh khoản cũng là điều đáng chú ý của sàn HNX khi vẫn thấp hơn những phiên giảm điểm trước đó. Sau khi về mức hỗ trợ 102, chỉ số HNX đã quay đầu đảo chiều nhưng vẫn nằm dưới đường EMA 200 (108.42). Các chỉ báo xu hướng ADX, MACD cũng chưa chứng tỏ được xu hướng đã thay đổi sau kỳ giảm điểm vừa qua. Cần thời gian để xác nhận thêm xu hướng này.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp trên HOSE, với giá trị 216,6 tỷ. Nổi trội là VHM (+47,1 tỷ), tiếp theo là HPG (+23,8 tỷ), VNM (+20,4 tỷ), POW (+19,4 tỷ), MBB (+15,1 tỷ) ... Phía bán ròng, nhiều nhất là 2 mã VJC (-12,6 tỷ) và VRE (-11,7 tỷ), còn lại nằm rãi rác ở nhiều mã như HSG (-6,7 tỷ), NLG (-5,3 tỷ), MSN (-5,2 tỷ) ...
VN-Index nhanh chóng xuất hiện nhịp phục hồi sau 2 phiên sụt giảm mạnh. Do xu hướng chung của thị trường đã theo hướng tiêu cực nên nhịp hồi phục hiện tại tạm thời chỉ mang tính chất kỹ thuật. Vùng cản cần lưu ý đối với VN-Index là vùng 820 điểm, trong trường hợp tích cực thì có thể hướng đến vùng kháng cự 850 điểm. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và có thể nương theo nhịp hồi phục kỹ thuật hiện tại để cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro.