Thị trường hồ tiêu hôm nay: Giá nhích nhẹ 500 đồng
Tại Gia Lai, tiêu được tăng 500 đồng, giá tiêu được chốt ở 37.500 – 40.500 đồng/kg. Các tỉnh còn lại ở mức 38.000 đồng – 39.500 đồng/kg.
Theo nguồn tin từ giatieu.com (giá tiêu được cập nhật 15 phút một lần), trên thị trường thế giới, tại sàn Kochi - Ấn Độ hôm nay (04/02/2020) giá giao ngay ở mức 33.550 rupee/tạ. Giá tiêu kỳ hạn tháng 02/2020 chốt tại 33.150 rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 30/01/2020 đến ngày 05/02/2020 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 325,18 VND/INR, nguồn Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo trang Cogencis, vụ mùa tiêu mới ở bang Kerala đã chính thức bắt đầu sau khi bị trì hoãn hai tuần. Một số thương nhân đánh giá số lượng và chất lượng tiêu hiện vẫn đang rất thấp. Độ ẩm của đợt thu hoạch đầu tiên khoảng 17 - 20%, cao hơn so với mức bình thường là khoảng 13%.
Các chuyên gia dự báo rằng giá tiêu có thể giảm trong giai đoạn tháng 2 - tháng 3 sau khi hai bang Kerala và Karnataka vào chính vụ và sản lượng có thể đạt ngưỡng 200 - 300 tấn/tuần.
Mặc dù sản lượng giảm nhưng giá tiêu niên vụ 2018/19 vẫn giảm, chỉ khoảng 319 rupee/kg, so với khoảng 700 rupee của 4 năm trước. Nguyên nhân do lượng nhập khẩu lớn từ Sri Lanka và Việt Nam, trong đó khoảng 11.000 tấn đã được nhập khẩu từ Sri Lanka (nước xuất khẩu khoảng 80% sản lượng hạt tiêu).
Việt Nam, một quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, vẫn muốn tăng kim ngạch xuất khẩu lên mức cao hơn. Tuy nhiên, nguồn cung hồ tiêu từ Việt Nam có thể bị đứt khi ngày càng nhiều hộ trồng tiêu bị đẩy ra ngoài chuỗi. Bên cạnh đó, diện tích và sản lượng tiêu của Việt Nam cũng có thể bị thu hẹp do các nông hộ không quan tâm chăm sóc, bảo vệ vườn tiêu, kết hợp với nguồn bệnh chết nhanh, chết chậm đang tồn tại khá phổ biến, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Tại Gia Lai, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 16.278ha, nhưng diện tích hồ tiêu bị chết đã lên tới 5.547ha.
Trong khi Việt Nam đang bối rối với những vấn đề nội tại, khả năng mở rộng sản xuất, tăng nguồn cung ra thị trường dồn cả về Campuchia và Brazil, giữa lúc tiêu thụ sản phẩm tiêu thế giới đạt khoảng 510.000 tấn. Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2017-2025, với tốc độ tăng nhu cầu 2,5-3%/năm, đến năm 2025 nhu cầu sẽ đạt 570.000-590.000 tấn và năm 2030 có thể là 640.000-650.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ của Mỹ và Hà Lan là lớn nhất và tiếp tục tăng đến năm 2030. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó Mỹ nhập khẩu để tiêu dùng trong nước và Hà Lan nhập cho tiêu dùng và chế biến tái xuất sang các nước khác.