Thị trường vẫn ảm đạm, giá tiêu sẽ còn "giằng co"

25/06/2022 17:17 GMT+7
Xu hướng "giằng co" về giá tiêu được cho là vẫn tiếp tục diễn ra khi người mua chờ đợi cơ hội để mua hàng với giá tốt, trong khi người bán cũng như giới đầu cơ chỉ bán ra ở mức cầm chừng với hy vọng xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc sẽ sớm được khai thông.

Xuất khẩu tiêu của các nhà cung cấp lớn sụt giảm mạnh

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu của các nhà cung cấp lớn đều sụt giảm mạnh. Trong đó, Việt Nam giảm 17,8% và Brazil giảm 20,9%. Ngoài ra, xuất khẩu của Indonesia cũng giảm tới 22,2% sau 4 tháng.

Thị trường tiêu toàn cầu khá trầm lắng và giá có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm nay do thiếu vắng lực mua từ Trung Quốc, một trong những người mua lớn nhất thế giới.

Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, cộng với việc Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid" và lạm phát cao đã khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu giảm khoảng 40.000 - 50.000 tấn từ đầu năm 2022 cho đến nay.

Ngoài ra, vụ tiêu mới ở Brazil hứa hẹn đạt sản lượng tốt. Do đó, giá tiêu thế giới có khả năng sẽ đi ngang trong thời gian tới.

Còn theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ khởi sắc trở lại khi một vài thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu gỡ phong tỏa.

Tuy nhiên, giá hạt tiêu thế giới vẫn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.

Thị trường vẫn ảm đạm, giá tiêu sẽ còn "giằng co" - Ảnh 1.

Ngày 25/6 tại thị trường trong nước, giá tiêu tiếp tục đi ngang ở một số địa phương, giao dịch chỉ từ 70.500 - 73.500 đồng/kg.

Trong nước, sau khi giảm 9-10% trong tháng 5 xuống chỉ còn 69.000 – 72.000 đồng/kg, giá tiêu đen tại các tỉnh Tây Nguyên đã phục hồi trở lại trong nửa đầu tháng 6 lên mức 72.000 – 75.500 đồng/kg. Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với trên dưới 80.000 đồng/kg hồi đầu năm nay.

Ngày 25/6 tại thị trường trong nước, giá tiêu tiếp tục đi ngang ở một số địa phương, giao dịch chỉ từ 70.500 - 73.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 70.500 đồng/kg. Giá tiêu tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (72.000 đồng/kg); Bình Phước (72.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 73.500 đồng/kg.

Xu hướng giằng co về giá được cho là vẫn tiếp tục diễn ra khi người mua chờ đợi cơ hội để mua hàng với giá tốt, trong khi người bán cũng như giới đầu cơ chỉ bán ra ở mức cầm chừng với hy vọng xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc sẽ sớm được khai thông.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay. Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Thời gian qua là cao điểm thu hoạch hạt tiêu tại nhiều nước, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc yếu đã gây áp lực giảm giá lên thị trường tiêu. Tính bình quân trong tháng 5 giá tiêu đen của các nước xuất khẩu đã giảm 3 – 5,5% so với tháng trước đó. Đà giảm này tiếp tục kéo dài sang đến nửa đầu tháng 6, với mức giảm 5 – 10%. 

Cụ thể, giá tiêu đen tại Brazil đã tụt xuống chỉ còn 3.450 USD/tấn, giảm 10,4% so với tháng trước và là mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Tương tự, giá tiêu đen tại Indonesia giảm 7,8%, xuống còn 3.648 USD/tấn. Trong khi giá tiêu đen tại Ấn Độ cũng giảm 2,4%, chỉ đạt 6.463 USD/tấn. Tại cảng khu vực TP.HCM của Việt Nam, tính đến ngày 15/6, giá tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm 4,8 – 6,3% (tương ứng 200 USD/tấn và 250 USD/tấn) so với cuối tháng trước, xuống còn 3.700 USD/tấn và 3.950 USD/tấn.

Trên thị trường tiêu trắng, tính đến ngày 15/6 giá tiêu trắng của Việt Nam giảm 3% (tương ứng 200 USD/tấn) so với cuối tháng trước, xuống còn 5.750 USD/tấn. Giá tiêu trắng của Indonesia cũng giảm 175 USD/tấn, dao động ở mức 6.313 USD/tấn. Trước đó, trong tháng 5 giá tiêu trắng của Việt Nam và Indonesia giảm 1,5 – 2,2%.

Nhu cầu từ Trung Quốc yếu gây áp lực lên giá và thị trường hạt tiêu 

Theo thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 5.747 tấn hạt tiêu các loại, tăng 63,7% so với tháng 4. Như vậy, sau 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 17.852 tấn hạt tiêu, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,1% (tương đương 1.495 tấn). Trong đó tiêu đen đạt 15.140 tấn, tiêu trắng đạt 2.712 tấn. Campuchia, Brazil và Indonesia tiếp tục là 3 nguồn cung hạt tiêu chủ yếu vào Việt Nam, chiếm 87,9% tổng khối lượng nhập khẩu. Trong đó, Campuchia đạt cao nhất với 7.647 tấn, tăng 136,9%; Brazil đạt 5.075 tấn, tăng 12,8% và từ Indonesia đạt 2.964 tấn, giảm 50,5%. 

Olam tiếp tục là doanh nghiệp nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của nước ta, chủ yếu từ Campuchia và Brazil đạt 7.082 tấn, tăng 1,5% và chiếm 36,7% tổng lượng nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Liên Thành, Hồng Vũ và Trân Châu cũng có lượng nhập khẩu tăng đột biến với mức tăng 3.646%, 590,8% và 296,9%. 

Đáng chú ý, giá tiêu đen mà các doanh nghiệp nhập khẩu từ Campuchia và Brazil trong tháng 5 đạt bình quân là 3.654 và 3.815 USD/tấn, tương ứng khoảng 85.300 – 89.000 đồng/kg, cao hơn mức giá 72.000 – 75.500 đồng/kg của tiêu trong nước. 

Thị trường vẫn ảm đạm, giá tiêu sẽ còn "giằng co" - Ảnh 2.

Xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sụt giảm trong những tháng đầu năm chủ yếu là do tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 21.844 tấn, trị giá 98,4 triệu USD, giảm 21,3% về lượng nhưng tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 99.542 tấn, trị giá 460,5 triệu USD, giảm 17,8% về lượng, nhưng tăng 21,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy khối lượng hạt tiêu xuất khẩu đang giảm trong năm thứ hai liên tiếp nhưng Việt Nam vẫn đang dẫn đầu về xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu, vượt xa các đối thủ cạnh tranh khác như Brazil, Indonesia… Giá xuất khẩu tiêu trong tháng 5 giảm tháng thứ hai liên tiếp, với mức giảm 2,7% so với tháng trước, xuống còn bình quân 4.504 USD/tấn. Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu tiêu vẫn tăng mạnh 47,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 4.627 USD/tấn. 

Thị trường vẫn ảm đạm, giá tiêu sẽ còn "giằng co" - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Thị trường vẫn ảm đạm, giá tiêu sẽ còn "giằng co" - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sụt giảm trong những tháng đầu năm chủ yếu là do tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa khẩu biên giới đất liền đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu tiêu sang thị trường này. 

Theo số liệu từ VPA, lượng hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 5 chỉ đạt 263 tấn, giảm 18 lần so với 4.726 tấn của cùng kỳ. Điều này khiến lượng hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 2.610 tấn, giảm 9 lần (21.047 tấn) so với 23.657 tấn cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đã tụt xuống thứ 9 về thị trường tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam từ vị trí thứ 2 của năm ngoái, với tỷ trọng giảm xuống còn 2,6% từ mức 20% của cùng kỳ. Được biết có đến 90% lượng hạt tiêu của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc đi theo đường tiểu ngạch, chủ yếu là qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) và Tà Lùng (Cao Bằng). Tuy nhiên từ đầu năm đến nay Trung Quốc đa phần đóng cửa để chống dịch nên lượng hàng hóa thông quan tại 2 cửa khẩu này rất thấp. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu từ đầu năm nay cũng gây trở ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu hạt tiêu 5 tháng đầu năm nay, chiếm 26% tổng khối lượng xuất khẩu với 25.899 tấn, trị giá gần 128 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng tới 52,1% về trị giá so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt khác tăng trưởng mạnh ở mức hai con số như: Ấn Độ tăng 41,5%, UAE tăng 10,5%, Đức tăng 21,5%, Hà Lan tăng 31,6%, Hàn Quốc tăng 44,9%...

Dự báo triển vọng xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ và EU vẫn tương đối khả quan bất chấp lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tương đối bấp bênh do nước này vẫn kiên trì với chính sách “Zero Covid”. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang muốn tăng cường xuất nhập khẩu hạt tiêu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch sẽ còn gây khó khăn cho xuất khẩu hạt tiêu của ta. 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2021, thị trường Trung Quốc nhập 38.259 tấn hồ tiêu từ Việt Nam, giảm 31,7% so với năm trước đó. Như vậy, trung bình hằng năm, quốc gia này hấp thụ 40.000 - 50.000 tấn hạt tiêu từ Việt Nam.

Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc mới đạt chưa đến 3.000 tấn. Theo các chuyên gia, lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng vọt cho đến cuối năm nếu thị trường này được khai thông, khi đó giá tiêu mới có thể khởi sắc trở lại.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), tổng nguồn cung hạt tiêu toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm 2,6% so với năm 2021 và lượng giảm chủ yếu đến từ Việt Nam và Indonesia.

Thị trường vẫn ảm đạm, giá tiêu sẽ còn "giằng co" - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo số liệu của VPA, trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 2 doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trên 10.000 tấn là Trân Châu và Olam Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu của Trân Châu đạt 13.585 tấn và Olam Việt Nam là 11.443 tấn, tăng lần lượt 28% và 22,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu tiêu của nhiều doanh nghiệp khác cũng đạt kết quả khả quan như Nedspice tăng 7,2%, đạt 8.106 tấn; Phúc Sinh tăng 3,1%, đạt 6.736 tấn; Haprosimex JSC tăng tới 34,3%, đạt 6.231 tấn… Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tiêu giảm như Liên Thành, Hoàng Gia Luân, Sinh Lộc Phát, Gia vị Sơn Hà, Intimex Group, Unispice… 

Khối các doanh nghiệp ngoài VPA lượng xuất khẩu tiêu giảm 54,6% và chủ yếu của các doanh nghiệp xuất đi Trung Quốc. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 30.082 tấn hạt tiêu trong 5 tháng đầu năm, tăng 7,3% và chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu. Ngược lại, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm mạnh 25,3%, xuống còn 69.460 tấn. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì được đà tăng trưởng do khách hàng chủ yếu là Mỹ và châu Âu, các thị trường có nhu cầu tốt và tính ổn định cao. Trong khi các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn do chính sách “Zero Covid” của nước này.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục