Thiếu điện ở Trung Quốc tạo cơ hội cho Việt Nam, nhà đầu tư nên "rót" tiền vào cổ phiếu ngành điện
Thiếu điện ở Trung Quốc và Châu Âu tạo cơ hội cho Việt Nam
Sản lượng điện của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm từ 2010 đến 2019 nhưng giảm tốc chỉ còn 2,4% so với cùng kỳ vào năm 2020 do ảnh hưởng từ Covid-19, khiến tiêu thụ điện giảm sút.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, mặc dù Việt Nam vẫn phải hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch và phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong nhiều tháng, nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đã phục hồi ở mức cao hơn 6,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, còn số này vẫn thấp hơn mức 8,1% dự kiến theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 8 được Bộ Công Thương công bố vào cuối tháng 8 vừa qua.
Dù vậy, các chuyên gia từ VnDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện năng sẽ phục hồi từ 2022 khi Covid-19 được kiểm soát. Thậm chí, tình trạng thiếu điện dự báo có thể xảy ra trong giai đoạn 2022-2025 do một số nhà máy điện truyền thống (thủy điện, điện khí và điện than) bị trì hoãn trong giai đoạn 2016-2020 với công suất ước tính lên đến hơn 7.000MW.
Tại các quốc gia khác, giá điện khí và điện than tăng mạnh gần đây được coi như là một vấn đề toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và các nước châu Âu do nguồn cung tăng không đủ nhanh để theo kịp với sự phục hồi nhu cầu dự kiến.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng điện có vẻ còn "tồi tệ" hơn ở Trung Quốc khi Chính phủ nước này định hướng cắt giảm điện than vì mục tiêu giảm khí thải carbon.
Điều này hiện nay đã gây áp lực ngày càng lớn cho các doanh nghiệp và thậm chí một số công ty buộc phải ngừng hoạt động trong giờ cao điểm hoặc tạm ngừng hoạt động 2-3 ngày/tuần.
Thực tế, kể từ cuối tháng 9, tình trạng cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã lan ra 1/2 quốc gia. Không những nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất mà đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, thậm chí đang có nguy cơ làm chậm lại quá trình phục hồi của nền kinh tế quốc gia tỷ dân và tạo áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế, và Việt Nam được cho là một lựa chọn sáng giá.
Sự ổn định trong hệ thống điện hiện tại của Việt Nam có thể là lợi thế, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và hơn nữa, nó có thể làm tăng mức tiêu thụ điện trong tương lai – theo các chuyên gia.
Bên cạnh đó, việc giảm công suất của một số nhà máy tại Trung Quốc có thể cho phép hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng lên do nhiều lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc ghi nhận sản lượng sụt giảm. Điều này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tăng sản lượng xuất khẩu và gián tiếp giúp tăng tăng tiêu thụ điện năng khi các nhà máy hoạt động với công suất lớn.
Nên lựa chọn cổ phiếu nào vào lúc này?
Đề cập về việc lựa chọn cổ phiếu ngành điện vào lúc này, các chuyên gia VnDirect cho rằng, ngành điện Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi lớn do các ưu tiên của Chính phủ nhằm duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế vĩ mô và tính bền vững của môi trường.
Với quy mô lớn và tiến độ nhanh hơn dự kiến của quá trình chuyển đổi năng lượng này, các cổ phiếu điện tập trung vào các giải pháp thay thế sạch hơn có thể có tiềm năng lớn trong thời gian tới.
"Chúng tôi cũng yêu thích các nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng vì chúng tôi tin rằng đầu tư nhiều hơn vào hệ thống lưới điện là điều kiện cần để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng tới một quốc gia có lượng carbon thấp hơn", báo cáo đề cập.
Theo quan sát của các chuyên gia, các cổ phiếu năng lượng gần đây đã tăng giá trên các thị trường chứng khoán toàn cầu để phản ứng với tình trạng thiếu điện đang diễn ra ở EU và Trung Quốc. Các cổ phiếu điện Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ lấy lại vị thế trong thời gian tới.
Các cổ phiếu như POW, GAS, NT2, BCG và FCN là những cổ phiếu nhiều triển vọng được VnDirect đề cập.
Trong đó, POW, NT2 và các nhà phát triển cơ sở hạ tầng như GAS sẽ hưởng lợi từ một loạt siêu dự án trong chuỗi giá trị từ điện khí LNG đã được công bố gần đây. Đây là phân khúc hứa hẹn trong thời gian tới khi sản lượng điện từ khí đốt dự kiến sẽ tăng trở lại kể từ năm 2022 nhờ sự phục hồi của các hoạt động sản xuất và hưởng lợi khi sản lượng thủy điện sẽ giảm trong năm tới do hiện tượng El Nino khả năng cao sẽ xảy ra.
Trong khi đó, BCG và FCN sẽ được hưởng lợi khi dòng vốn ESG mở rộng đầu tư tại Việt Nam.