Thịt lợn nhập có giá 30.000 đồng/kg: Ngành chăn nuôi sắp vỡ trận?
Sản lượng thịt nhập tăng đột biến
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 24 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng 6 lần so với năm 2018. Trong khi cả năm 2018, tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu các loại chỉ đạt 5,3 triệu USD.
Đơn cử như trên địa bàn TP.HCM, theo thống kê của Cục Hải quan thành phố, 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt lợn, tăng gần 4.800 tấn và 8,1 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nguồn thịt lợn nhập khẩu chủ yếu đến từ Brazil (2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD); Mỹ (874 tấn, 1,75 triệu USD); Ba Lan (848 tấn với 1,41 triệu USD); tiếp đến là Bỉ, Hà Lan...
Sản lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đột biến có thể ảnh hưởng tới sản xuất thịt trong nước (ảnh minh họa)
Điều đáng nói là, giá thịt lợn nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Hiện hầu hết doanh nghiệp nhập thịt lợn để chế biến thực phẩm (giò, chả, xúc xích…).
Đây là kết quả tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương khiến dòng chảy hàng hóa ngày càng mở rộng. Đến nay, đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam, trong đó, lượng lợn nhập từ Brazil tăng đột biến sau khi Việt Nam mở cửa trở lại với thịt lợn từ Nam Mỹ.
Trước thông tin số lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đột biến tới 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018, theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nếu không tính toán kỹ nhu cầu sử dụng thịt, cho nhập ồ ạt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước.
“Theo quan sát thị trường phía Nam, lượng lợn cung cấp ra thị trường vẫn tương đối ổn định. Có thể lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đột biến là do e ngại có thể thiếu hụt nguồn cung thịt khi dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lan rộng, nhưng chắc chắn lượng thị cung cấp cho thị trường từ nay đến cuối năm không đến độ thiếu hụt để phải nhập một lượng lớn thịt như vậy” – ông Đoán nói.
Đừng tạo thêm gánh nặng
Theo ông Đoán, Việt Nam không thể cấm được các doanh nghiệp tăng nhập khẩu thịt lợn vì đó là hoạt động và lợi nhuận của họ. “Nhưng đứng trên góc độ của người chăn nuôi thì tôi thấy, việc tăng nhập khẩu thịt lợn thời điểm này là không hợp lý. Giả sử lượng thịt lợn có thiếu hụt đôi chút thì cũng là cơ hội để người chăn nuôi bán được giá cao, từ đó động viên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn nỗ lực hơn nữa trong bảo vệ đàn vật nuôi và tái đàn khi dịch bệnh ổn định” – ông Đoán khẳng định.
Có một thực tế, nhiều chủ trang trại thấy thông tin lượng thịt lợn nhập về quá nhiều nảy sinh tâm lý chán nản. Hiện nay, nhiều trang trại lớn triển khai rất kỹ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tích cực bổ sung các chế phẩm để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, giữ trại an toàn. Ông Đoán lo ngại, lượng thịt nhập tăng chỉ sợ các nhà chăn nuôi chùn bước trước việc duy trì và tái đàn.
“Theo tôi, nên tính tới việc hạn chế nhập khẩu thịt lợn. Nếu chúng ta cho nhập ồ ạt lúc này thì chỉ cần một thời gian nữa như một dòng nước chảy, lượng thịt nhập sẽ tràn về, không còn cách nào ngăn được. Nó sẽ bóp nghẹt ngành chăn nuôi trong nước. Người chăn nuôi đã rất vất vả rồi, đừng tạo thêm gánh nặng cho họ nữa” – ông Đoán nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT):
Giá giảm không phải do thịt nhập
Thời gian qua, giá lợn hơi không thể tăng mà lại có chiều hướng giảm do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do người chăn nuôi ở các tỉnh miền Trung và miền Nam bán chạy lợn quá nhiều vì sợ dịch, khiến giá thị trường giảm. Ở các tỉnh miền Bắc không có tình trạng này nên giá lợn thời gian gần đây đã tăng và ổn định ở mức khá cao.Nguyên nhân thứ hai khiến giá lợn không thể tăng là bởi thời điểm hiện tại là mùa hè, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người tiêu dùng giảm mạnh. Thịt lợn nhập khẩu không phải là nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm trong thời gian qua. Theo tôi, đà giảm giá sẽ sớm chấm dứt. Sang tháng 8, giá thịt lợn hơi xuất chuồng sẽ tăng mạnh, có thể lên mức 45.000 đồng/kg và giữ ổn định ở mức cao.