Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn các dự án nhà ở xã hội

16/03/2024 06:30 GMT+7
Sáng nay 16/3, Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Công điện số 398/VPCP-TH gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan mời tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội sẽ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tổ chức vào 8h sáng 16/3/2024 tại Trụ sở Chính phủ. Cùng tham dự với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn các dự án nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Nhiều dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc chưa thể triển khai theo tiến độ đề ra (Ảnh: TN)

Cuối tháng 2/2024, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024. Thông tin tại Hội nghị, Bộ Xây dựng cho biết theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031ha.

Tuy nhiên một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP.Hồ Chí Minh 07 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;...), hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi,...).

Trước thềm hội nghị, Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tôi nghĩ nên theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán do sẽ khó đảm bảo nhu cầu bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn. 

"Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính của đất nước này. Việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở", ông Hà nhận định.

Về vấn đề này, Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không nên có cách tiếp cận theo hướng "ta chỉ nên", "ta chỉ làm", mà nên tiếp cận theo nhiều cách, nhiều góc độ để miễn sao kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân.

"Tôi đồng ý với ý kiến của một số chuyên gia là nên cho thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh thuê thì cũng nên cho phép mua bán để ai có đủ năng lực mua thì mua, ai không đủ thì thuê. Về việc tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất, tôi cho là chúng ta cũng nên tiếp cận theo nhiều cách. Riêng vấn đề đất ở và đất khác, Luật đã quy định và đã được thông qua, chúng ta không thể thay đổi", ông Hiếu nhận định.

Trước đó, ngày 12/3, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới được ban hành, trong đó có các dự án nhà ở xã hội.

Lý giải nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ ưu đãi cho vay mua và xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân giải ngân nhỏ giọt, đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank … cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục