Thú vị cuộc đời của những nông dân vượt khó làm giàu tại Bình Định

09/10/2023 19:12 GMT+7
Được vinh dự là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, cả 2 nông dân Trần Duy Thuỷ và Võ Hoàng Sơn (ở tỉnh Bình Định), đều xuất phát từ hoàn cảnh hết sức khó khăn. Họ là tấm gương điển hình vượt khó vươn lên, làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Làm giàu nhờ bán cây giống, trồng rừng

Với mô hình ươm trồng 2,1 triệu cây giống lâm nghiệp và trồng rừng sản xuất, nông dân Trần Duy Thuỷ (56 tuổi) trú tại khu phố 7, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Trải qua rất nhiều thăng trầm, cố gắng với lối đi đã chọn, nông dân này thành công với mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp (cây keo lai) và trồng rừng sản xuất (trồng cây keo nguyên liệu giấy).

Năm 2000, ông Thủy bắt tay vào cải tạo 4ha đất, tổ chức nuôi bò, gà, trồng mía, mì, đậu phụng, đậu xanh... 

Để chủ động thức ăn phục vụ chăn nuôi, ông còn bố trí đất để trồng cỏ; vào thời điểm đó, đây được coi là một sáng tạo có tính đột phá.

Ngay sau đó, nắm bắt xu thế ông chuyển sang trồng rừng và bán cây giống. Vượt qua khó khăn, hiện nay tổng diện tích sản xuất cây giống lâm nghiệp của ông Thuỷ 1,4ha, diện tích rừng trồng 24ha.

"Tôi trồng rừng ở Phú Yên, Bình Định, tôi thu hoạch xen canh nếu cắt keo chỉ 1 lần thì làm không nổi", ông Thuỷ cho hay.

Bình quân mô hình này sản xuất  2,1 triệu cây giống lâm nghiệp/năm và thu hoạch 3,5 – 4ha rừng keo nguyên liệu/ năm. Mang lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tính bình quân 1,5 tỷ đồng/ năm.

Số lượng lao động sử dụng  thường xuyên là 12 lao động, ngoài lao động thường xuyên, vào mùa vụ mô hình còn sử dụng thêm từ 10-15 lao động thời vụ.

Thú vị cuộc đời của những nông dân vượt khó làm giàu tại Bình Định - Ảnh 1.

Nông dân Trần Duy Thuỷ (56 tuổi) trú tại khu phố 7, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: TB.

Ông Thuỷ cho biết, ông sử dụng công nghệ tưới nước tự động và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỷ thuật cấy, chiết, chăm sóc cây keo hom giống và áp dung thực tế ở mô hình. 

Cộng với từ rút kinh nghiệm sản xuất thực tế trong quá trình chăm sóc, bón phân… để sản xuất cây giống lâm nghiệp, nên sản phẩm keo hom giống của gia đình chất lượng ngày cao. 

Được nhiều khách hàng tin tưởng đồng thời tích cực quảng bá và mở rộng thị trường xuất bán cây giống đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước với số lượng lớn.

Thú vị cuộc đời của những nông dân vượt khó làm giàu tại Bình Định - Ảnh 2.

Vườn cây giống của nông dân Trần Duy Thuỷ. Ảnh: TB.

Năm 2022, sản xuất 2,1 triệu cây giống lâm nghiệp, thu hoạch 4 ha cây Keo nguyên liệu và thu nhập từ các loại cây ngắn ngày. Sau khi trừ chi phí còn lãi 1,5 tỷ đồng.

Với mô hình trồng cây giống lâm nghiệp và trồng rừng của gia đình, ngoài 5 lao động chính trong gia đình, còn thuê thêm 7 lao động thường xuyên, với mức lương từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi đến thời vụ còn tạo việc làm cho khoảng 10 -15 lao động. 

Hướng dẫn cho trên 50 hộ nông dân khác biết cách trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp có hiệu quả, cho tham quan mô hình ươm và trồng cây lâm nghiệp và trồng hoa vạn thọ bán vào dịp tết Nguyên đán. 

Thú vị cuộc đời của những nông dân vượt khó làm giàu tại Bình Định - Ảnh 3.

Hệ thống tưới nước tự động. Ảnh: TB.

Ông còn giúp đỡ cho các hộ khó khăn trên địa bàn, nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững.

"Những nông dân có nhu cầu tìm hiểu về mô hình tôi đều sẵn sàng giúp đỡ, mỗi năm tại vườn tôi đều có sinh viên thực tập và đạt được giải cao", ông Thuỷ chia sẻ.   

"Tỷ phú"… nuôi gà

Nông dân Võ Hoàng Sơn (SN 1977), trú thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là hội viên nông dân thuộc Chi Hội nông dân thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, khá thành công với mô hình sản xuất, nuôi và ấp nở gà giống gia cầm, cơ sở nuôi và dẫn dụ chim yến.

Ông Sơn vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là một trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Thú vị cuộc đời của những nông dân vượt khó làm giàu tại Bình Định - Ảnh 4.

Nông dân Võ Hoàng Sơn chăm sóc gà giống. Ảnh: TB.

Ông Sơn kể, trước đây gia đình bắt đầu từ nghề may dân dụng lúc đầu còn khó khăn về kinh tế thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, vì còn nuôi 2 con ăn học. 

Vào năm 2000, bản thân có làm công cho một cơ sở giống gia cầm ở địa phương, trong thời gian này bản thân ông đã học hỏi, nắm bắt kỷ thuật chọn gà giống bố mẹ, chọn lấy trứng, quy trình kỷ thuật ấp nở chăm sóc con giống, kỷ thuật chuồng trại…

"Sau một thời gian làm công ở cơ sở này, đã học hỏi, nắm bắt kỷ thuật, tích lũy kinh nghiệm, cho đến năm 2007, được sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể thôn nhất là Hội nông dân xã. 

Tôi đã quyết tâm làm giàu chính đáng bằng đôi bàn tay của mình, tôi có vay nguồn vốn Quỹ HTND xã và nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với nguồn vốn tự có của gia đình, tôi quyết định đầu tư vào việc đóng tủ ấp trứng với quy mô 10.000 quả/ máy", ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, ban đầu còn chưa có kinh nghiệm thực tế, vốn ít  nên gia đình tôi chỉ đưa trứng vào ấp với số lượng ít 1000 quả/ đợt. 

Thú vị cuộc đời của những nông dân vượt khó làm giàu tại Bình Định - Ảnh 5.

Gà của ông Sơn được bán cho thị trường nhiều tỉnh thành. Ảnh: TB.

Đến năm 2008, ông thuê 1 mảnh đất của 01 hộ dân ở địa phương với diện tích hơn 2000m2 để xây dựng chuồng trại nuôi gà giống số lượng ban đầu 2000 con gà giống bố mẹ. 

Đồng thời, từng bước nâng cấp hệ thống 2 máy ấp nở theo công nghệ mới hiện đại hơn, năng suất trên 50.000 quả/ máy. 

"Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn cũng như sự quan tâm hỗ trợ vốn của các cấp, các ngành, hiện nay tôi đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, thuê 5 lao động làm việc liên tục tại cơ sở ấp nở và trại chăn nuôi", ông Sơn nói. 

Từ năm 2015, nhận thấy nhu cầu sử dụng tổ yến nhiều, sẵn có nguồn vốn, nông dân Võ Hoàng Sơn đã xây dựng 2 nhà nuôi và dẫn dụ chim yến tại địa phương. Mỗi năm thu yến cho thu nhập 250 triệu đồng. 

Năm 2021, sẵn có nghề may mặc trong tay, nhận thấy nguồn lao động tại địa phương dồi dào, tìm hiểu được đầu mối và thị trường tiêu thụ, ông mạnh dạn mở thêm 1 cơ sở May mui niệm tại thôn Hưng Nghĩa góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động trong và ngoài địa phương. Ước tính mỗi năm cho lợi nhuận 100 triệu đồng.

Từ mô hình sản xuất của gia đình ông có thu nhập ổn định, hiện nay gia đình có thu nhập bình quân hàng năm trừ chi phí, còn thực lãi trên 1 tỷ đồng. 

"Nuôi gà thì có lời có lỗ, năm 2013 lũ lụt chết nguyên cả đàn hơn 4.000 con, lỗ 1 tỷ đồng. Tôi gần như sụp đổ rồi làm lại chuồng làm gác, để gà an toàn hơn. Năm 2016 lỗ 600 triệu đồng cũng do gà chết vì lũ lụt, rút kinh nghiệm tôi làm chuồng cao hẳn luôn, vào mùa mưa thì đưa gà lên", ông Sơn nhớ lại.

Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất của gia đình ông Võ Hoàng Sơn còn tạo việc làm cho 30 lao động phổ thông với mức lương 5,5 triệu đồng/ tháng. 

Hướng dẫn cho 30 hộ biết cách thức làm ăn có hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm làm ăn của các gia đình với nhau, cho tham quan mô hình chăn nuôi gà, ấp nở gia cầm. Hỗ trợ cho 10 hộ nông dân khó khăn mượn vốn, với số tiền bình quân  10- 20 triệu đồng/ hộ  không lấy lãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi; trong đó đã giúp 5 hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tặng gà con giống cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 

Ông Võ Hoàng Sơn chia sẻ, trong chăn nuôi cần chú trọng, lựa chọn con giống từ cơ sở uy tín, chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng về mùa hè, kín gió mùa đông, thức ăn, nước uống phải hợp vệ sinh. 

Đặc biệt chú trọng công tác phòng bệnh nhất là việc đưa liệu trình vacin đảm bảo đúng bệnh, đúng tuổi, đúng thời gian.

Thú vị cuộc đời của những nông dân vượt khó làm giàu tại Bình Định - Ảnh 6.

Nông dân Võ Hoàng Sơn (SN 1977), trú thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: TB.

Về ấp nở, chọn trứng đạt yêu cầu, chất lượng; kỹ thuật ấp nở phải đảm bảo chuẩn về nhiệt độ, ẩm độ…. Canh công suất đảo trứng cho phù hợp để có thể ra được 01 con gà giống khỏe mạnh, không hở rốn, khô chân… tỷ lệ nở và gà loại 1 đạt tỷ lệ cao nhất mới mang lại hiệu quả kinh tế.

Để nuôi chim yến hiệu quả, ông Võ Hoàng Sơn nghiên cứu học tập mô hình nuôi yến của hộ địa phương và các hộ vùng lân cận. Xây dựng Nhà nuôi yến ở địa điểm xa dân cư, giảm tiếng ồn, thu hút được nhiều yến bay về làm tổ. Thiết bị nhà yến phải đảm bảo.

Bên cạnh sản xuất, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, bản thân ông Võ Hoàng Sơn và gia đình gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết, Hội; tích cực tham gia học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người hội viên; tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động chung của cả nước, của địa phương và các hoạt động của Hội; có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống; tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao, nhân đạo, từ thiện… 

Nhiều năm liền được cấp có thẩm quyền công nhận gia đình văn hóa, gia đình hiếu học tiêu biểu, con cái đều thành đạt. 

Nông dân Võ Hoàng Sơn là tấm gương đại diện của nghị lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Để có thành công này, anh không ngừng học tập, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm từ nhiều kênh; tham quan các mô hình hay để học hỏi kinh nghiệm; tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh…

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng nghề chăn nuôi cũng như nghề nông, "được mùa thì mất giá". Người chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá cám cao, trong khi giá gà thấp. Người chăn nuôi không mặn mà, kéo theo các trại cung cấp gà giống cũng ảnh hưởng.

Với những kết quả trên, năm 2022, ông Võ Hoàng Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022. Đặc biệt, ông Sơn còn vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1trong số 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Thăng Bình
Cùng chuyên mục