Thừa Thiên Huế: Cấp mới loạt dự án “khủng”, có dự án vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng
Chiều ngày 3/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hộp báo thường kỳ quý 3 năm 2023. Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế- xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm ước đạt 6,84%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước.
Ngành du lịch tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi rất tốt. Trong 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 2.420 nghìn lượt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 745 nghìn lượt, gấp 7,3 lần. Tổng thu từ du lịch ước đạt 5.414 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 106,4 triệu USD, tăng 24% so với tháng trước và giảm 40,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 795,5 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 82,3 triệu USD, tăng 60% so với tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 41.284 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 3.430 tỷ đồng, tăng 17,3%. Tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 75.700 tỷ đồng, tăng 1,82%, là mức tăng trưởng khá thấp so với cùng kỳ những năm trước, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,16%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp tháng 9 tiếp tục có nhiều khởi sắc hơn so với tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 9 ước tăng 9,4% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng ước tăng 2,4%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3%. Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may, xi măng... đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Ngành đồ uống, đặc biệt là bia, có sản lượng tăng mạnh, đạt 256 triệu lít, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 21.817 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 7.543 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, bằng 58% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 18,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 8.914 tỷ đồng, đạt 61,4% dự toán.
Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã cấp mới 18 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 5.010 tỷ đồng. Trong số các dự án cấp mới có một số dự án lớn như: Tổ hợp giáo dục tại Khu E- Đô thị mới An Vân Dương với tổng mức đầu tư 433 tỷ đồng; Bệnh viện Quốc tế Huế tại Khu E- Đô thị mới An Vân Dương với tổng mức đầu tư 817 tỷ đồng; dự án Khu nhà ở thương mại - shophouse với tổng mức đầu tư 539 tỷ đồng; dự án Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C khu chung cư Đống Đa với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng... Ngoài ra, đã có 7 dự án được điều chỉnh tăng/giảm vốn với vốn tăng thêm 1.533 tỷ đồng và có 8 dự án chấm dứt hoạt động.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 28/9/2023, Thừa Thiên Huế đã giải ngân 3.135 tỷ đồng/5.923,257 tỷ đồng, đạt 52,9% kế hoạch. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân 1.592 tỷ đồng, đạt 49,5% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giải ngân 1.298 tỷ đồng, đạt 64,3% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 244 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 134 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ước giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của tỉnh Thừa Thiên Huế là 3.498,625 tỷ đồng, đạt 60,8%, xếp thứ 10/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công là 2.676,84 tỷ đồng. Như vậy, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao đến nay là 8.600,097 tỷ đồng, giải ngân đến nay là 4.125,285 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch.