Thừa Thiên Huế có 538 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong 7 tháng đầu năm
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7/2024. Theo báo cáo, trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 100 triệu USD, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 68,1 triệu USD, giảm 43,5% so với tháng trước và tăng 29,6% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7, khách du lịch đến tỉnh ước đạt 393 nghìn lượt, tăng 8% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng, lượng du khách đến tỉnh ước đạt 2.348 nghìn lượt, tăng 25,5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 862,6 nghìn lượt, tăng 42,2%. Doanh thu từ du lịch trong 7 tháng đầu năm ước đạt 4.783 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 16.627 tỷ đồng, bằng 48,8% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 6.733,7 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, bằng 49,5% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 18,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước đạt 7.572,7 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 2.570,2 tỷ đồng, bằng 43% dự toán.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới cho 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.873 tỷ đồng (trong đó có 11 dự án FDI với vốn đăng ký 34,5 triệu USD), tăng 10 dự án so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án với tổng vốn đầu tư thu hút dự kiến 4.654 tỷ đồng.
Trong 7 tháng đầu năm, ở tỉnh có 457 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.997 tỷ đồng, tăng 5,8% về lượng và giảm 10,3% về vốn so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 220 doanh nghiệp, giảm 14 doanh nghiệp so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 538 doanh nghiệp, tăng 131 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể 133 doanh nghiệp, giảm 125 doanh nghiệp.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 25/7 đạt 2.814 tỷ đồng/6.957,879 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 về cả tỷ lệ (cùng kỳ là 38,8%) và giá trị tuyệt đối (cùng kỳ 2.297 tỷ đồng).
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả 4 tổ công tác giám sát, quản lý dự án đầu tư của UBND tỉnh để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động ở Thừa Thiên Huế là 538 doanh nghiệp, tăng 131 doanh nghiệp so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong kêu gọi và thu hút đầu tư.
Thừa Thiên Huế cũng sẽ tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ xử lý theo Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 của HĐND tỉnh và tổ chức rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư.
Đối với các dự án trọng điểm sử dụng ngân sách, tỉnh tập trung đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án: Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, Tuyến đường bộ ven biển, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, Cải thiện môi trường nước thành phố Huế, Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2)...
Thừa Thiên Huế cũng khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3; tập trung phối hợp Bộ GTVT hoàn thành hồ sơ thủ tục sớm khởi công dự án Đầu tư xây dựng mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Tỉnh tập trung theo dõi, đôn đốc các sở, ban ngành, chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc cam kết tiến độ giải ngân cho từng dự án thuộc kế hoạch đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm những tháng cuối năm 2024. Địa phương sẽ rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn.