Thừa Thiên Huế đầu tư 160 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ biển
Ngày 3/6, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 5 nhằm xem xét, quyết định những nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa xem xét các tờ trình, đề án do UBND tỉnh trình tại kỳ họp và quyết định thông qua các nghị quyết liên quan đến nhiều vấn đề. Trong đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhất trí thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải, huyện Phú Vang.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp 122 tỷ đồng, bao gồm xây dựng tuyến kè bảo vệ có chiều dài 300m với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng, xây dựng tuyến đê ngầm dài khoảng 550m cách bờ biển 150m-200m với kinh phí 108 tỷ đồng.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng việc xả lũ của các hồ thủy điện đã làm tình trạng sạt lở bờ biển ở Thừa Thiên Huế ngày một nghiêm trọng hơn.
Các vùng bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như các xã Phong Hải, Phong Hòa (huyện Phong Điền), Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền), Hải Dương (TP. Huế), Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang) và Vinh Mỹ, Giang Hải (huyện Phú Lộc).
Sạt lở bờ biển đã và đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ, uy hiếp đến dải cồn cát, ảnh hưởng đến 24 xã, phường ven biển. Tình trạng sạt lở cũng dẫn đến nguy cơ hình thành cửa biển mới, ảnh hưởng đến quốc lộ 49B cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và hệ sinh thái của 22.000ha đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Việc xói lở và bồi lắng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô, Lạch Giang làm tăng nguy cơ mất ổn định tự nhiên, ảnh hưởng đến dòng thoát lũ, tuyến luồng hoạt động khoảng 2.000 tàu thuyền ra vào các cửa biển và các tàu chở hàng hóa với tải trọng đến 2.000 tấn ra vào cảng Thuận An.