Thương chiến Mỹ - Trung và bài học Nhật Bản những năm 80

25/05/2019 12:58 GMT+7
Trung Quốc không phải là Nhật Bản, và xung đột thương mại 2019 đã khác xa xung đột thương mại năm 1985. Bắc Kinh có lập trường kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn nhiều so với Tokyo thời điểm đó.

Trong những năm 1980 của thế kỷ trước, Nhật Bản rõ ràng là một nguy cơ lớn với Mỹ. Nền kinh tế nước này chứng kiến sự bùng nổ và bành trướng đáng kinh ngạc, vươn lên vị trí thứ hai thế giới và trực tiếp uy hiếp vị thế dẫn đầu của Mỹ. Người Mỹ đã e sợ.

Báo Mỹ liên tục cảnh báo về mối quan ngại nền kinh tế Nhật Bản sau khi các doanh nghiệp Nhật Bản liên tục thu mua công ty Mỹ. Các nhà lập pháp thì cáo buộc Nhật Bản đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại không công bằng.

Trong một cuộc phỏng vấn với "Morton Downey Jr. Show" năm 1989, chính Donald Trump phàn nàn rằng Nhật Bản đã “hút máu nước Mỹ”. “Mọi vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn. Nhật Bản đang cười nhạo chúng ta”.

Xung đột thương mại Mỹ - Nhật những năm 80 và "thập kỷ mất mát" của người Nhật

Sau khi Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức năm 1981, Hoa Kỳ bắt đầu gây sức ép với Nhật Bản trong một xung đột thương mại đầy căng thẳng. Nhật Bản bị hạn chế số lượng ô tô, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Và khi mối quan ngại về hạn chế thương mại tăng lên, Nhật Bản không thể làm gì ngoài việc thỏa hiệp.

Hiệp định Plaza về tỷ giá hối đoái đã tàn phá nền kinh tế Nhật Bản

Năm 1985, 5 quốc gia gồm Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản đã ký Hiệp định Plaza nhằm giải quyết các vấn đề tỷ giá hối đoái. Mục tiêu của hiệp định là sự can thiệp của 5 quốc gia này vào thị trường hối đoái để làm giảm giá đồng USD so đồng Yên Nhật Bản. Và quá trình “hôn mê sâu” của nền kinh tế Nhật cũng bắt đầu từ đây, khi đồng Yên tăng giá mạnh làm giá cả hàng hóa Nhật trở nên đắt đỏ, ảnh hưởng nặng nề đến kim ngạch xuất khẩu. Chỉ trong vòng 1 năm, tăng trưởng kinh tế của Nhật giảm tới 1.5%, từ 4.4% xuống còn 2.9%.

Tuy nhiên, Hiệp định Plaza chưa phải dấu chấm hết cho hành động của Hoa Kỳ nhằm vào nền kinh tế Đông Á này. Năm 1987, Washington áp thuế 100% đối với số hàng nhập khẩu trị giá 300 triệu USD của Nhật Bản như biện pháp gạch tên hàng hóa Nhật khỏi thị trường Mỹ.

Cùng lúc đó, những nỗ lực bình ổn giá trị đồng Yên của ngân hàng Trung Ương Nhật trở nên quá muộn màng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào một “thập kỷ mất mát”. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2.1% lên mức 4.7% đáng báo động.

"Xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Nhật Bản về cơ bản đã dừng lại tại nửa đầu năm 1986", nhà kinh tế Joshua Felman viết trong một báo cáo cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông kết luận: mặc dù hiệp định Plaza không trực tiếp gây ra sự suy thoái kinh tế của Nhật Bản, nhưng nó là nguyên nhân của hàng loạt sự kiện dẫn đến “thập kỷ mất mát” tại đất nước này.

Donald Trump giữa 2 cuộc chiến tranh thương mại

Donald Trump trong một kêu gọi sử dụng thuế quan làm vũ khí thương mại năm 1989

Tại thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật những thập kỷ 80, Donald Trump đã  kêu gọi sử dụng thuế quan như một vũ khí thương mại. Và rõ ràng, vũ khí ấy đã giáng xuống Nhật Bản những đòn đau đớn.

Dù ông Trump chưa bao giờ nhắc lại sự kiện này, nhưng thành công của Washington trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Nhật trước đây có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định của vị Tổng thống Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc hiện nay. Đáng nói hơn, một trong những cố vấn thương mại cấp cao của Trump, ông Robert Lighthizer, cũng từng tham gia vào các cuộc đàm phán với Nhật Bản vào những năm 1980.

Nhưng rõ ràng, Bắc Kinh thừa biết về lịch sử xung đột thương mại Mỹ - Nhật thời điểm đó, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ không lặp lại những sai lầm tai hại của Nhật Bản cách đây vài thập kỷ. Trong một bài đăng trên tờ Tân Hoa Xã vào năm ngoái, hãng thông tấn Nhà nước cảnh báo “Nhật Bản đã thất bại bởi những phản ứng không đúng đắn” với hiệp định Plaza và hạn chế thương mại từ phía Mỹ.

Lịch sử có lặp lại?

Trung Quốc nhận thấy rõ sai lầm của Nhật Bản trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ

Trung Quốc không phải là Nhật Bản, và xung đột thương mại 2019 đã khác xa xung đột thương mại năm 1985. Bắc Kinh có lập trường kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn nhiều so với Tokyo thời điểm đó.

“Nhật Bản dễ dàng bị Mỹ đánh bại trong chiến tranh thương mại, bởi sự phụ thuộc kinh tế và chính trị của Tokyo vào Washington sau Thế chiến II. Nhưng vị thế của Trung Quốc với Mỹ lại không như vậy.” - Hai nhà phân tích kinh tế Alicia Garcia-Herrero và Kohei Iwahara nhận định.

Trump và Lighthizer, những người đã đi qua chiến tranh thương mại với Nhật Bản, có thể cho rằng động thái cứng rắn sẽ khiến Trung Quốc nhượng bộ. Nhưng thực tế chứng minh Bắc Kinh không dễ dàng thỏa hiệp. Không một thỏa thuận thương mại nào được ký kết giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Căng thẳng đang leo thang.

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến tuần giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số Dow Jones, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2011. Trong khi Tổng thống Trump tự tin khẳng định chiến tranh thương mại sẽ sớm kết thúc, giới đầu tư lại quan ngại chiến tranh thương mại phát triển thành chiến tranh công nghệ kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra, liệu Washington và Bắc Kinh có đủ khôn khéo để không lặp lại xung đột thương mại Mỹ - Nhật vài thập kỷ trước?

Thùy Dung
Cùng chuyên mục