Tín dụng tăng trưởng thấp: “Tín hiệu tốt của nền kinh tế”
Ảnh minh họa.
Tính đến ngày 17/4/2019, tín dụng tăng 3,23% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 (5%), 2017 (5,2%), và 2016 (4,2%), trở thành mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây (cho dù kỳ thống kê có lệch vài ngày). Nếu so với con số tăng trưởng tín dụng 3,19% trong quý 1 được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, có thể thấy, các tuần sau đó, tăng trưởng tín dụng đã diễn ra khá "ì ạch".
Mặc dù tín dụng tăng thấp nhưng ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cho biết ông không quá bất ngờ với con số này bởi mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm để hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo vị chuyên gia, tín dụng tăng trưởng thấp xuất phát từ hai lý do chính. Thứ nhất, đó là tính chu kỳ của nền kinh tế khi tín dụng thường tăng chậm ở những tháng đầu năm sau đó mới tăng mạnh ở những tháng cuối năm.
Thứ hai, thị trường xuất hiện dòng vốn mới, mô hình kinh doanh mới… như cho vay ngang hàng, fintech… nên doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào kênh vốn từ ngân hàng."Do đó, theo tôi, đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế", ông Lực bình luận.
Nhận định của ông Lực thêm củng cố khi nhìn vào cơ cấu tín dụng trong các ngành kinh tế. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, 3 tháng đầu năm 2019, mặc dù dư nợ tín dụng nền kinh tế chỉ tăng khoảng 3,19% so với cuối năm 2018 nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn "chảy" mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 4,8%.
Điều này cho thấy, tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Nhưng vấn đề theo ông Lực, chất lượng tăng trưởng tín dụng không chỉ nhìn vào dòng chảy tín dụng trong các ngành kinh tế mà còn phải nhìn vào tổng thể các giải pháp trong đó có mục tiêu kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2019.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), diễn biến tín dụng thời gian gần đây là bức tranh phản chiếu những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp tục kiểm soát tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung tín dụng cho khu vực sản xuất; chủ trương của ngành ngân hàng về việc đẩy lùi tín dụng đen; và đặc biệt là lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để chống đô la hóa trong năm 2019.
Nhưng có một diễn biến đáng chú ý trong thời gian gần đây. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 cho các ngân hàng nhưng khá nhiều ngân hàng đang kỳ vọng sẽ được nới room tăng trưởng.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, VIB đã có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về việc xem xét tăng trưởng tín dụng lên 35% khi VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên trên thị trường đạt chuẩn Basel II. Tuy vậy, người đứng đầu VIB cho biết nếu Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận đề xuất này thì ngân hàng vẫn sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép.
Cũng giống như VIB, một số ngân hàng khác trên thị trường cũng đang kỳ vọng được tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn mức bình quân 14% do đã đạt chuẩn Basel II như Ngân hàng Quân đội (MB Bank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank)... trong khi đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chỉ đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 6-8% do đang chịu áp lực về nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu...
Dù nhiều ngân hàng "đánh tiếng" về việc được nới room với Ngân hàng Nhà nước song theo ông Lực tình hình rất "khó nói" cho dù Ngân hàng Nhà nước có chủ trương ưu tiên chỉ tiêu cao hơn đối với ngân hàng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 30/12/2016.
Bởi theo ông, thông điệp về mục tiêu tăng trưởng 14% luôn được Ngân hàng Nhà nước lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Hơn nữa, quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130% GDP và kế hoạch tăng trưởng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay.