Tin vui từ Mỹ, cổ phiếu NAF của Nafoods "đóng" trần
Cổ phiếu NAF của Nafoods - DN đầu ngành giống chanh leo "tím trần"
Từ mức giá 17.300 đồng/cổ phiếu (ngày 12/8/2024), cổ phiếu NAF đã tăng vọt lên 20.500 đồng/cổ phiếu (mở phiên chiều ngày 30/8/2024).
Đáng chú ý, những phiên gần đây, cổ phiếu NAF liên tục tăng trần với thanh khoản tăng đột biến, cao nhất lên tới hơn 653.100 đơn vị khớp lệnh tính đến 14h11' chiều ngày 30/8. Tại thời điểm này, cổ phiếu NAF "trắng" bên bán và dư mua hơn 90.500 cổ phiếu.
Được biết, đà tăng cổ phiếu NAF đến từ những thông tin tích cực trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ ngày 27/8/2024 của Thứ trưởng Hoàng Trung và Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Thứ trưởng Hafemeister và đại diện các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Theo đó, hai bên đã thống nhất về yêu cầu kỹ thuật đối với chanh leo của Việt Nam. Đồng thời, hai bên thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam.
Tại Việt Nam, số liệu công bố tại báo cáo thường niên năm 2023 của CTCP Nafoods Group (HoSE: NAF) cho thấy, đơn vị này là doanh nghiệp đứng đầu ngành giống chanh leo với quy mô và thị phần lớn nhất toàn ngành, Top 2 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chanh leo công nghiệp về sản lượng...
Hiện tại, Nafoods đã xây dựng được chuỗi nhà máy phân bố đều khắp Việt Nam, bao gồm: tỉnh Nghệ An, tỉnh Long An, tỉnh Sơn La, tỉnh Gia Lai với tổng công suất 40.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Riêng tại Gia Lai, theo quy hoạch Nafoods có được phép mở rộng vùng nguyên liệu liên kết với nông dân lên tới 3.000 ha.
Nafoods đặt mục tiêu đến năm 2028, đơn vị này sẽ phát triển lên tới 30.000 ha diện tích vùng trồng, với các loại quả chủ lực như chanh leo, thanh long, xoài, dứa, sầu riêng...
Dữ liệu cho thấy, Nafoods tiền thân là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Vinh. Công ty TNHH Thành Vinh được thành lập vào ngày 26/08/1995 với vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 150 triệu đồng.
Ngày 29/6/2010, Công ty Thành Vinh chuyển đổi sang mô hình hoạt động Công ty cổ phần, đổi tên thành CTCP Thực phẩm Choa Việt và cuối cùng thành CTCP Nafoods Group.
Ngày 7/10/2015, cổ phiếu NAF của Nafoods đã chính thức giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu 23.000 đồng/cp.
Sau 11 lần tăng vốn điều lệ, Nafoods có vốn điều lệ 629,2 tỷ đồng.
Theo Báo cáo quản trị bán niên năm 2024, bà Điền Thị Lan Phương là Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên Ủy ban Kiểm toán Nafoods.
Nafoods (NAF) kinh doanh ra sao?
Dữ liệu Etime thống kê giai đoạn 2018 - 2024 cho thấy, kết quả kinh doanh của Nafoods tăng trưởng theo từng năm.
Cụ thể, năm 2018, doanh thu thuần Nafoods đạt 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 45,3 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần tăng 76% lên 1.042 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 16% lên 52,4 tỷ đồng.
Sang năm 2020, Nafoods ghi nhận doanh thu thuần tăng 15% và lợi nhuận trước thuế tăng 24%, lần lượt đạt 1.202,7 tỷ đồng và 65,1 tỷ đồng.
Tại năm 2021, Nafoods giữ vững đà tăng trưởng. Doanh thu thuần tăng 34% lên 1.614,6 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 39% lên 90,4 tỷ đồng.
Và đỉnh điểm là năm 2022, Nafoods ghi nhận doanh thu vượt ngưỡng 1.700 tỷ đồng, đạt 1.766,5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 92,9 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong giai đoạn Etime thống kê.
Năm 2023, Nafoods đạt kết quả kinh doanh kỷ lục và cũng là năm thứ 6 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần của Nafoods đạt 1.733,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế vượt ngưỡng 100 tỷ đồng (đạt 132,4 tỷ đồng).
Thông tin tại báo cáo thường niên năm 2023 cho thấy, năm vừa qua, Nafoods đã hoàn tất đầu tư và đưa vào hoạt động tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao Nafoods Tây Nguyên (từ tháng 6/2023) tại Pleiku, Gia Lai. Qua đó, nhà máy giúp nâng cao công suất xử lý nguyên liệu trái chanh leo, với mục tiêu trở thành trung tâm chanh leo của châu Á.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Nafoods ghi nhận doanh thu thuần đạt 751 tỷ đồng, lãi trước thuế 76,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và tăng 12% so với năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ phần đóng góp của lợi nhuận khác trị giá 11,7 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm trước khoản này âm hơn 556 triệu đồng.
Tại giải trình kết quả kinh doanh quý II/2024 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Nafoods cho biết, khoản lợi nhuận khác này chủ yếu đến từ hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư và một phần đến từ lợi nhuận gộp hoạt động bán hàng tăng lên 6% trong 6 tháng đầu năm.
Tại báo cáo thường niên năm 2024, nhận định về năm 2024, Nafoods cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Giá các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và diễn biến bất ổn trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu không mấy sáng sủa ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty.
Tuy nhiên, Nafoods vẫn lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 khá tham vọng với mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 17% so với thực hiện của năm 2023. Như vậy, 6 tháng đầu năm nay, Nafoods mới thực hiện 34% kế hoạch doanh thu và đạt 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Tại ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn của Nafood đạt 2.183 tỷ đồng, tăng khoảng 140 tỷ đồng so với đầu năm và 53% trong số đó là nợ phải trả. Tính đến hết quý II, nợ vay của Nafoods ở mức 903 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.