Toàn cảnh chính sách tiền lương năm 2022

15/12/2021 08:30 GMT+7
Năm 2022 có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến chính sách tiền lương. Dưới đây là toàn cảnh chính sách tiền lương năm 2022 mới nhất.

1. Tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH từ 01/01/2022

Đây là nội dung đáng chú ý mới được Chính phủ ban hành tại Nghị định 108/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021. Theo đó, từ ngày 01/01/2022, sẽ điều chỉnh tăng thêm 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 cho các đối tượng như:

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quân nhân, công an đang hưởng lương hưu hằng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn.

- Người đang hưởng trợ cấp trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng…

Toàn cảnh chính sách tiền lương năm 2022 - Ảnh 1.

Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng: Người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/tháng/người trở xuống.

Đồng thời, cũng thực hiện tăng lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 theo tinh thần của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 tại kỳ họp thứ 02, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh lương hưu cho các đối tượng nêu tại Điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP, nếu người nghỉ hưu trước 1995 vẫn chưa đạt được mức lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng/người thì tiếp tục điều chỉnh tiếp như sau:

- Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng: Người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/tháng/người trở xuống.

- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/tháng/người: Người có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/tháng/người - dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

2. Không cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức

Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 nêu rõ:

Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Trước đó, tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021, Quốc hội yêu cầu tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống kinh tế, xã hội của nước ta bị ảnh hưởng nặng nề. Mọi nguồn lực hiện đang được dồn cho việc phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế… Do đó, việc cải cách tiền lương chính thức bị lùi lại đến thời điểm thích hợp.

Từ 01/7/2022, cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được tính lương theo số tiền cụ thể, căn cứ vào vị trí việc làm, những ai làm công việc giống nhau sẽ được lương giống nhau như dự kiến sẽ cải cách theo Nghị quyết 27 năm 2018.

Thay vào đó, cán bộ, công chức, viên chức vẫn hưởng lương dựa vào mức lương cơ sở và các khoản phụ cấp cũng vẫn được giữ nguyên như hiện tại.

Lương cán bộ, công chức, viên chức = Hệ số x Mức lương cơ sở + các khoản phụ cấp - các khoản đóng BHXH, khác (nếu có)

Để xem cụ thể bảng lương sẽ áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2022 tới đây, độc giả có thể tham khảo bài viết dưới đây: Bảng lương công chức 2022 khi lùi cải cách tiền lương

3. Dự kiến không tăng lương cơ sở

Bên cạnh việc không cải cách tiền lương thì vấn đề lương cơ sở năm 2022 có tăng không cũng là trăn trở của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức. Do không cải cách tiền lương nên lương công chức, viên chức hiện nay và trong năm 2022 vẫn tính theo mức lương cơ sở.

Nếu lương cơ sở tăng thì thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức vẫn có cơ hội tăng theo. Tuy nhiên, có thể thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ ảnh hưởng đến việc cải cách tiền lương mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến mức lương cơ sở.

Trong năm 2020 và năm 2021, do dịch bệnh nên liên tiếp hai lần lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đã không tăng mà vẫn áp dụng mức 1,49 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2019 theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.

Do đó, dự kiến trong năm 2022, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng lương cơ sở năm 2022 cũng sẽ không tăng mà vẫn áp dụng mức 1,49 triệu đồng/tháng.

Đây cũng là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội khi trả lời phỏng vấn của báo chí. Vì thế, Ủy ban này đã đồng ý với phương án Chính phủ trình là lùi thời điểm tăng lương cơ sở.

Đồng nghĩa, trong 03 năm 2020, 2021. 2022 liên tiếp, lương của cán bộ, công chức, viên chức không có thay đổi gì.

4. Dự kiến không tăng lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu theo quy định mới nhất tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động được định nghĩa như sau:

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, mức lương tối thiểu được ấn định theo vùng, theo tháng và theo giờ. Trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, lương tối thiểu sẽ do Chính phủ quyết định và công bố.

Trong năm 2021, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lương tối thiểu vùng không tăng mà vẫn áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như năm 2020.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang hết sức phức tạp với nhiều biến chủng mới, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, khả năng tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022 là rất nhỏ.

Bởi vậy, dự đoán trong năm 2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ không tăng mà vẫn giữ nguyên như hiện tại. Cụ thể:

Địa bàn hoạt độngMức lương
Vùng I

4.420.000 đồng/tháng

Vùng II

3.920.000 đồng/tháng

Vùng III

3.430.000 đồng/tháng

Vùng IV

3.070.000 đồng/tháng

Trên đây là một số phân tích về chính sách tiền lương năm 2022. Nhiều chính sách đã chính thức ban hành văn bản quy định nhưng nhiều chính sách vẫn chưa có quyết định cuối cùng mà còn căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trong những tháng cuối năm 2021 này và trong năm 2022 sắp tới.


An Vũ
Cùng chuyên mục