Top những siêu cổ phiếu đang 'tuột dốc không phanh'
Thị trường chứng khoán đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, VN-Index phải "chật vật" giữ ngưỡng 1.000 điểm với thanh khoản èo uột. Kết thúc phiên giao dịch 14/10, VN-Index dừng tại mốc 1.061,85 điểm, tương ứng giảm 5,7% so với hồi đầu tháng và giảm 28,5% so với đầu năm 2022.
Cùng với sự đi xuống của chỉ số, trên thị trường cũng ghi nhận hàng loạt mã giảm điểm, thậm chí có nhiều mã mất hơn 70% giá trị.
Trong top 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất từ đầu năm thì dẫn đầu là bộ đôi cổ phiếu họ FLC gồm KLF của CTCP Đầu tư Thương mại Xuất khẩu CFS khi giảm 88% xuống còn 1.000 đồng/CP; và ART của CTCP Chứng khoán BOS khi giảm 89% và hiện đang giao dịch ở mức 1.800 đồng/CP.
Lưu ý rằng, cả KLF và ART đều đang thuộc diện bị kiểm soát do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét quá 30 ngày làm việc so với thời hạn quy định.
Cổ phiếu TGG của Công ty CP Louis Capital cũng ghi nhận mức giảm đáng kể từ 18.500 đồng/CP hồi đầu năm xuống còn 3.120 đồng/CP, tương ứng giảm 83%, vốn hóa thị trường hiện ở mức 85 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu TGG nổi tiếng với mô hình "cây thông" trên đồ thị giá dưới thời ông Đỗ Thành Nhân. Theo đó vào năm 2021, TGG từng nhận được nhiều sự chú ý khi ghi nhận mức tăng kỷ lục từ giá chỉ 2.000 đồng vào đầu tháng 3 đến lên 74.800 đồng vào tháng 9, tương ứng tăng 3.740% sau hơn nửa năm. Tuy vậy, sau khi tạo đỉnh, TGG liên tục giảm mạnh, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thời điểm ấy thậm chí đã đưa cổ phiếu này từ diện cảnh báo vào diện kiểm soát do xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Cổ phiếu VC2 của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Vina2 trên sàn HNX cũng giảm 77% từ vùng giá 65.000 đồng/CP xuống còn 14.900 đồng/CP, vốn hóa thị trường hiện là 962 tỷ đồng.
VC2 được thành lập từ năm 2003 và hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng với vốn điều lệ đạt 472 tỷ đồng, trong đó CTCP đầu tư MTS nắm giữ 31,5% và Phó chủ tịch HĐQT VC2 Đỗ Trọng Quỳnh sở hữu 7,68%.
Cũng trên sàn HNX, cổ phiếu của Công ty CP Simco Sông Đà là SDA kết phiên 14/10 ở mức 7.700 đồng/CP, giảm 73% so với hồi đầu năm, vốn hóa doanh nghiệp đạt 320 tỷ đồng.
Simco Sông Đà được thành lập năm 1997, tiền thân là Trung tâm Hợp tác lao động nước ngoài Sông Đà trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà. Song đến năm 2015, Tổng Công ty Sông Đà đã thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp này. Hiện, công ty này có vốn điều lệ 262 tỷ đồng, trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hồng Ngọc là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 15,28% vốn, tương đương hơn 4 triệu cổ phiếu SDA.
Về diễn biến của cổ phiếu SDA, cuối năm 2006, SDA chào sàn HNX với mức giá 74.500 đồng/cổ phiếu và sau đó bật tăng gấp 4,2 lần lên mức 314.300 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 2 tháng. Đỉnh cao của SDA được thiết lập khi chạm mốc 345.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 22/5/2007, tương đương mức tăng 370% kể từ khi chào sàn. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này tụt dốc không phanh và thảm hại nhất là cuối năm 2018, cổ phiếu SDA chỉ giao dịch ở vùng đáy 2.400 đồng/cổ phiếu. Riêng năm 2021, cùng với sự thăng hoa của thị trường, SDA có thời điểm đã leo lên mức 75.400 đồng/CP (phiên 26/11), trước khi giao dịch quanh vùng 7.000 đồng như hiện nay.
Trong danh sách cổ phiếu giảm sâu nhất tam sàn thì L14 của Ligogi 14 (sàn HNX) là cái tên đáng chú ý nhất bởi đây không phải cổ phiếu xa lạ với giới đầu tư chứng khoán. Mã này được biết đến rộng rãi bởi ông Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1970), hay còn được gọi với biệt danh "A7". Ông Tuấn là Thành viên HĐQT L14 từ năm 2016 đến nay.
L14 được thành lập vào năm 1982, tiền thân là Xí nghiệp thi công cơ giới số 14, năm 2008, L14 được chấp thuận trở thành công ty đại chúng và sau đó niêm yết lên sàn chứng khoán Hà Nội vào năm 2011.
Vào tháng 11/2021, L14 nhận được nhiều sự chú ý khi "phi" một mạch, lên 200.000 đồng/CP chỉ trong hơn nửa tháng. Và 1 tháng sau đó, những ngày đầu tháng 1/2022 L14 đã nhanh chóng chinh phục mốc 300.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng mạnh lên cao nhất 440.000 đồng/CP trước khi bước vào những phiên điều chỉnh giảm sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Tiếp đó, các sự kiện như khởi tố vụ án liên quan đến cổ phiếu FLC, vụ án trái phiếu Tân Hoàng Minh tiếp tục nhấn sâu cổ phiếu L14. Chốt phiên 14/10, L14 đứng tại mức 48.400 đồng/CP, tương ứng giảm 89% so với đầu năm và hiện vốn hóa thị trường đạt 2.749 tỷ đồng.
Tăng sốc giảm sâu cũng không thể không kể đến CEO của CTCP Tập đoàn CEO. Chỉ trong 2 tháng cuối năm ngoái, thị giá cổ phiếu này đã tăng gấp 8 lần lên 100.000 đồng trong phiên 10/1/2022, đẩy giá trị vốn hoá ngót nghét 26.000 tỷ đồng. Dù vậy, cũng như L14, sau sự kiện Tân Hoàng Minh, CEO lại ghi nhận chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp và hiện chỉ còn 16.100 đồng/CP, tương ứng giảm 84% sau 10 tháng và vốn hóa ở mức 6.150 đồng/CP.
CEO được thành lập năm 2001 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (Viteco). Sau hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển, CEO Group tới nay là nhà phát triển có vị trí trên thị trường bất động sản Việt Nam, với nhiều dự án có tiếng đã và đang triển khai trên cả nước. Vốn điều lệ hiện ở mức 2.573 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Đoàn Văn Bình là cổ đông lớn duy nhất, trực tiếp sở hữu 70,5 triệu cổ phần, tương đương 27,4% vốn cổ phần.
Với mức giảm lên đến 86% so với hồi đầu năm, DVG của CTCP Tập đoàn Sơn Đại Việt cũng giữ một "ghế" trong danh sách các mã giảm mạnh. Hiện cổ phiếu này đang dừng tại mức 3.700 đồng/CP, vốn hóa thị trường là 24,8 tỷ đồng.
Lưu ý rằng, Sơn Đại Việt chính là doanh nghiệp "xông đất" sàn HNX năm 2022. Sau khi niêm yết, cổ phiếu này đã tăng trần 5 phiên liên tiếp song hầu như không có thanh khoản. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2006, vốn điều lệ hiện là 280 tỷ đồng.
Ngoài ra, top những cổ phiếu giảm sâu còn có HDA của CTCP Hãng Sơn Đông Á với mức giảm 71% và ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo với mức giảm 75,4%.
Riêng với ITA, vừa qua, cổ phiếu này đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 6/9, do vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong một năm theo quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của HoSE. Bên cạnh đó, như đã từng đề cập mã ITA còn vướng vào lùm xùm liên quan đến việc tạm ứng gần 2.000 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư ở Mỹ. Tuy nhiên, sau đó ITA đã có đính chính chỉ chi 633 tỷ đồng.