TPHCM đẩy mạnh hỗ trợ chương trình "mỗi xã một sản phẩm"

24/05/2019 07:06 GMT+7
TP.HCM tự tin cho rằng, chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đang triển khai sẽ thành công bởi có ưu thế thị trường lớn.

Theo UBND TP.HCM, thành phố có thị trường lớn với 10 triệu dân, đồng thời nhu cầu tiêu dùng của người dân đang gia tăng, nhất là nhu cầu về sản phẩm sạch, chất lượng, dinh dưỡng cao mà các sản phẩm OCOP đáp ứng những yêu cầu này.

Lợi thế thị trường

Sơ chế nông sản tại HTX Phước An (Bình Chánh) - một HTX được TP.HCM đưa vào chương trình OCOP.  Ảnh: P.V

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, về thương mại, TP.HCM có hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ đa dạng. Thành phố đã đưa vào hoạt động 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm là: Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Khối lượng hàng hóa lưu thông qua 3 chợ này chiếm 80% tổng sản lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố còn có 247 chợ kinh doanh nông sản, thực phẩm, 174 siêu thị,  251 cửa hàng tiện lợi… Mức tiêu thụ của người dân thành phố cũng cao hơn các tỉnh, thành khác.

Để có hướng đi thích hợp, vừa qua thành phố đã ban hành các giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình OCOP. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện chương trình. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển kinh tế tập thể và chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã (HTX), hộ dân được lựa chọn tham gia chương trình đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: Rau, hoa, cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh và 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề đan đát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đồng, làng nghề mành, trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ). Ngoài ra, còn 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng gồm: Khô cá dứa (Cần Giờ), khô cá sặc (Củ Chi), tổ yến (Cần Giờ) và xoài cát Long Hòa (Cần Giờ).

“Thành phố đã có định hướng triển khai thực hiện “mỗi xã một sản phẩm” tập trung các nội dung: Phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh theo hướng hình thành các vùng sản xuất lớn với quy trình sạch; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; quảng bá rộng rãi sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp HTX sơ chế, chế biến góp phần nâng cao gái trị các sản phẩm” - bà Mai cho biết.

Còn nhiều khó khăn…

Mặc dù có lợi thế lớn để triển khai chương trình OCOP, nhưng theo Sở NNPTNT thành phố, chương trình này đang vướng khá nhiều khó khăn. Theo đó, tại 5 huyện ngoại thành chưa xây dựng được các cửa hàng, địa điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực; sự liên kết giữa HTX và doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ chưa cao; quá trình đô thị hóa nông thôn nhanh chóng…

Theo bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền - Giám đốc HTX hoa lan Huyền Thoại (Củ Chi), việc xây dựng sản phẩm hoa lan thành một sản phẩm OCOP của thành phố không khó. Tuy nhiên, do đô thị hóa nên diện tích trồng lan của HTX không thể mở rộng được để đáp ứng cho nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhất là xuất khẩu. “Thị trường Trung Đông đang đòi hỏi một lượng lan khá lớn, nhưng HTX không thể đáp ứng. Hiện nay, diện tích sản xuất của HTX chỉ 20ha, chúng tôi cần từ 50-100ha nữa nhưng không có” - bà Huyền bộc bạch.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục