Triển vọng giá dầu thế giới sáng lên khi nhu cầu dầu tại Trung Quốc phục hồi
Theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review, kể từ giữa tháng 4, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động ngay sau khi chính phủ Bắc Kinh dỡ bỏ dần các hạn chế kiểm dịch sau nhiều tuần phong tỏa.
Cho đến đầu tháng 5, nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec báo cáo công suất hoạt động hồi phục 76%, tức tăng từ mức 67% hồi tháng 3. Các nhà máy lọc dầu tại Sơn Đông, nơi cung cấp 20% sản lượng dầu cho thị trường tỷ dân cũng báo cáo công suất phục hồi 71% vào đầu tháng 5, tăng từ mức 34% hồi tháng 2.
Nhu cầu dầu phục hồi tại thị trường Trung Quốc đã khiến thị trường dầu thế giới có dấu hiệu nóng lên trở lại. Petrobras, nhà sản xuất dầu lớn nhất Brazil báo cáo kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 1 triệu thùng dầu/ ngày trong tháng 4, chủ yếu cho các đối tác tại Sơn Đông, Trung Quốc. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu dựa trên nhu cầu phục hồi tại thị trường Trung Quốc”, trích lời Anelise Lara, giám đốc điều hành mảng tinh chế dầu và khí đốt tự nhiên tại Petrobras.
Trung Quốc hiện là thị trường dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Nhu cầu dầu của quốc gia tỷ dân chiếm tới 15% tổng nhu cầu dầu toàn cầu và tăng mạnh mỗi năm. Nhưng đại dịch Covid-19 đã đánh sập nhu cầu dầu của Trung Quốc, khi các nhà máy ngừng sản xuất, giao thông ngừng trệ vì người dân phải chôn chân tại nhà trong lệnh phong tỏa quốc gia kéo dài nhiều tuần liền.
Sau 2 tháng kể từ khi Bắc Kinh dần dỡ bỏ các hạn chế kiểm dịch, bức tranh thị trường dầu cuối cùng cũng sáng lên.
Dầu thô ESPO của Nga - một trong những thương hiệu dầu “quyền lực” bậc nhất, có thể dùng để xác định tiêu chuẩn giá dầu trên thế giới, đồng thời cũng là thước đo nhu cầu dầu tại thị trường Trung Quốc. Vào giữa tháng 4, dầu ESPO có giá rẻ hơn khoảng 4 USD/ thùng so với dầu thô Dubai, do nhu cầu dầu tại Trung Quốc giảm mạnh. Nhưng cho đến đầu tháng 5, dầu thô ESPO của Nga đã dần tăng giá và hiện vượt qua dầu thô Dubai, một dấu hiệu của sự phục hồi nhu cầu dầu.
Công ty nghiên cứu Rystad Energy dự báo nhu cầu dầu tại Trung Quốc có thể tăng lên mức 13,55 triệu thùng/ ngày trong tháng 6, tức gần bằng mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhu cầu dầu của thị trường tỷ dân từng giảm xuống 9,95 triệu thùng/ ngày trong tháng 2, tức giảm gần 26% so với tháng 1, mức giảm kỷ lục phản ánh tầm ảnh hưởng của lệnh phong tỏa quốc gia.
Yusuke Katagiri, một thương nhân dầu khí thuộc tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản nhận định: “Kể từ tháng 4, ngành dầu khí Trung Quốc đã đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu. Chúng ta sẽ chứng kiến những tàu chở dầu đến Trung Quốc tấp nập trở lại trong tháng 6 và tháng 7”. Mitsubishi dự báo giá dầu thô Dubai sẽ tăng từ mức 30 USD/ thùng hiện tại lên 35-45 USD/ thùng từ nay đến tháng 3/2021.
Việc nối lại các hoạt động kinh tế cũng đẩy sản lượng công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc tăng 3,9%, do sự gia tăng sản xuất trong các ngành công nghiệp máy tính, ô tô, kim khí, xi măng. Mức tiêu thụ điện than - một thước đo phản ánh sản lượng sản xuất - hiện đã khôi phục trở lại mức trước đại dịch sau khi tụt dốc 60% trong tháng 2.
Một tín hiệu đáng lạc quan khác cho nền kinh tế Trung Quốc: doanh số bán xe tại thị trường này cũng đang phục hồi trở lại. Trong tháng 4, doanh số bán xe chỉ giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh từ mức giảm hai chữ số hồi tháng 3. Nguyên nhân là do dịch bệnh khiến người dân Trung Quốc có xu hướng tự lái xe cá nhân đi làm hơn là di chuyển bằng phương tiện công cộng để tránh tiếp xúc với đám đông. Giá xăng dầu rẻ và trợ cấp của chính phủ cũng kích thích người dân mua sắm ô tô.
Nhu cầu du lịch cũng tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế lao động 1/5. Chính phủ Trung Quốc báo cáo khoảng 115 triệu lượt khách du lịch, một sự phục hồi mạnh mẽ dù vẫn thấp hơn nhiều con số 195 triệu lượt khách cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, trên thị trường toàn cầu, viễn cảnh kinh tế nhìn chung vẫn ảm đạm do các quốc gia vẫn đang vật lộn với sự bùng phát dịch Covid-19. Tại nhiều quốc gia, các hạn chế kiểm dịch vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn và hoạt động kinh tế chưa phục hồi nhanh chóng do mối quan ngại làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát.
Báo cáo hàng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA công bố vào ngày 14/5 ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm kỷ lục 8,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Kể từ đầu tháng 5, các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã thống nhất cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng dầu/ ngày để bảo vệ giá dầu, bình ổn thị trường trong bối cảnh nhu cầu dầu giảm sâu như vậy.