Trở thành tỷ phú nhờ bám ruộng, bám đất
Vẫn là những mảnh ruộng, thửa vườn bao đời gắn bó với người nông dân, nhưng nhờ có những “cú hích” từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là sự đột phá trong tư duy, mạnh dạn áp dụng những mô hình, phương thức sản xuất tiên tiến, gắn chặt với nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân trong tỉnh đang trở thành những triệu phú, tỷ phú ngay trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của mình.
Hội viên nông dân xã Yên Lâm (Yên Định) thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt.
Đến xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), chúng tôi thật sự ấn tượng với trang trại trồng cam, bưởi kết hợp với chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Trí Tám, người nông dân với tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Tám tâm sự, khoảng chục năm trước, nơi đây vốn là ruộng lúa nhưng thuộc khu đất cao nên cằn cỗi, khó tưới và cho năng suất thấp.
Anh đã mạnh dạn xin xã cho thuê đất lâu năm để chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao hơn. Xã đồng ý, song, gia đình anh ngăn cản, cho rằng ngoài cây lúa, còn cây nào khác có thể sinh trưởng được trên đất này? Thuyết phục gia đình, anh quyết tâm thực hiện ước mơ của mình “cải tạo đất xấu thành đất màu mỡ, biến tấc đất kém giá trị thành tấc vàng”.
Nghĩ là làm, chẳng bao lâu người ta đã thấy cả một vùng đất rộng 3 ha được anh đầu tư làm kinh tế trang trại. Trước tiên là cải tạo đất, tăng cường các loại phân bón để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo luống, đào mương, xẻ rãnh đưa nước về tưới mát cho cây, rồi anh ra tận tỉnh ngoài chọn mua giống cây ăn quả về trồng.
Sau nhiều năm dày công chăm bón, trang trại của gia đình anh đã được phủ xanh cả một vùng, với gần 3.000 gốc cam Vinh, trên 1.000 gốc bưởi, chanh đào. Ngoài ra, anh còn kết hợp chăn nuôi lợn để lấy phân bón cho cây, nuôi đàn gà đẻ trứng, đào ao thả cá... Chỉ tính riêng doanh thu từ lợn, cam và bưởi, hiện trang trại của gia đình anh cho thu lãi 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Trên diện tích đồng đất lúa không chủ động được tưới tiêu, gia đình anh Lê Phi Chiều, ở thị trấn Lang Chánh cũng đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới đưa vào trồng giống dưa thơm Kim Hoàng hậu, hoa Dạ yến thảo và các loại rau với quy trình khép kín.
Quá trình trồng anh đều áp dụng quy trình chăm sóc sạch, vườn ươm riêng, không sử dụng hóa chất bảo quản sau thu hoạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy các sản phẩm cho thu hoạch không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh ngoài.
Làm sao để nâng cao giá trị kinh tế ở cùng một giống cây trồng, vật nuôi, trên cùng một đơn vị canh tác là bài toán mà anh Đỗ Trung Thành, ở xã Hoạt Giang (Hà Trung) hết sức trăn trở. Bằng kinh nghiệm của mình và qua tìm hiểu anh Thành quyết định kêu gọi bà con trong thôn đổi đất cho gia đình mình.
Với 4,2 ha đất khô cằn sau khi quy đổi, anh Thành đã đầu tư hơn 100 triệu đồng vào phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Thời gian đầu khi bắt tay vào xây dựng trang trại, dẫu gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm thoát nghèo người thanh niên trẻ này đã vượt lên tất cả.
Sau hơn 6 năm, anh Đỗ Trung Thành đã biến bãi đất hoang khô cằn trở thành những ao cá, vườn cây xanh tươi, trù phú. Hiện nay, trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình anh cho thu lãi trên 300 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Trên đây chỉ là số ít những “lão nông” bám đất, bám ruộng làm giàu. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng những người như anh Tám, anh Thành, anh Chiều vẫn quyết tâm sống trọn với ước mơ của mình. Nhiệt huyết của các anh cũng như hàng vạn người con xứ Thanh đang nỗ lực, cố gắng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Để tạo điều kiện giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi đất cằn hoang hóa, vùng sâu trũng thành những cánh đồng chuyên canh hàng hóa, hàng năm các cấp hội nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (TBKHKT) cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp; động viên hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa TBKHKT vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh còn làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi; vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi các loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây phù hợp cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hộ gia đình sang sản xuất mang tính chất nhóm, tổ...
Từ trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam.