Trung Quốc có nguy cơ khốn đốn vì biến thể delta

03/08/2021 17:07 GMT+7
“Bức tường lửa” chống dịch Covid-19 của Trung Quốc đang bị phá vỡ bởi biến thể delta khi Trung Quốc gần đây ghi nhận hàng loạt ca nhiễm mới tại nhiều ổ dịch trên toàn quốc.

Tờ AsiaTimes cho hay có ít nhất 15 trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc hiện đã xác nhận xuất hiện ca nhiễm Covid-19 gây ra bởi biến thể delta trong hai tuần qua. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, đây là đợt bùng dịch Covid-19 lớn nhất tại quốc gia Đông Á này. Sự lây lan dịch bệnh được cho là liên quan đến một chuyến bay từ Moscow (Nga) đến Nam Kinh vào đầu tháng 7.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho hay tính từ đầu tháng 7 đến nay, đã có 328 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên toàn quốc, bao gồm cả một số ca dương tính tại thành phố Vũ Hán - tâm chấn của làn sóng dịch đầu tiên. Chỉ riêng trong ngày hôm qua 2/8, Trung Quốc ghi nhận tới 99 ca nhiễm mới Covid-19. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều chính quyền địa phương đã nhanh chóng áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt bao gồm phong tỏa khu vực, với số dân trong diện phong tỏa lên tới hàng triệu người. Một phần nguyên nhân bùng phát dịch bệnh được đổ lỗi cho sự chủ quan của người dân gần đây và sự nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi đất nước này không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nhiều tháng.

Trung Quốc có nguy cơ khốn đốn vì biến thể delta - Ảnh 1.

Hoạt động kiểm dịch nghiêm ngặt tại một ga tàu ở Nam Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết bao gồm xét nghiệm hàng loạt, truy vết ca nhiễm, cách ly xã hội và phong tỏa kiểm dịch, tương tự như những gì đã làm để dập tắt 30 đợt bùng phát dịch trước đó. Mặc dù số ca nhiễm ở Trung Quốc vẫn trong đợt bùng dịch lần này vẫn còn khiêm tốn khi so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực, các chuyên gia quan sát vẫn cảnh báo nguy cơ lớn do biến thể delta rất dễ lây lan và đa số người nhiễm không biểu hiện triệu chứng. 

Ít nhất 52 khu dân cư ở Nam Kinh và các thành phố lân cận như Dương Châu đã bị NHC liệt kê trong diện các khu vực có nguy cơ cao hoặc nên bị phong tỏa. Bất kỳ ai rời khỏi khu vực này sẽ buộc phải trải qua 14-21 ngày cách ly bắt buộc nếu không muốn bị buộc tội hình sự. Riêng tại Nam Kinh đã có 208 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trong tháng 7.

Một ổ dịch nghiêm trọng khác cũng bùng phát tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam sau khi tỉnh này trải qua trận lũ lụt kinh hoàng khiến hàng trăm người phải di dời vào giữa tháng 7. Các quan chức Trịnh Châu cho hay một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát ở thành phố này là do trận lũ lụt nghiêm trọng làm lỏng lẻo hệ thống kiểm dịch cũng như công tác giãn cách xã hội.

Trương Gia Giới, một điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cũng trở thành ổ dịch Covid-19 đáng lo ngại khiến các nhà chức trách gấp rút đóng cửa công viên Di sản Thế giới được UNESCO công nhận cùng tất cả các danh lam thắng cảnh khác trong khu vực. Đã có ít nhất 3 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Trương Gia Giới do tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch dương tính không đeo khẩu trang. Kể từ đó đến nay, Trương Gia Giới ghi nhận 31 ca dương tính liên quan với một số lượng lớn trong đó là các ca nhiễm không triệu chứng. Động thái đóng cửa khu du lịch diễn ra đúng thời điểm cao điểm của mùa du lịch hè, gây ảnh hưởng đến hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ khách sạn, lưu trú, ăn uống và nhiều nhà bán lẻ khác. 

Tại thủ đô Bắc Kinh, chính quyền thành phố đang tăng cường xét nghiệm hàng loạt và rà soát y tế tại các địa điểm sân bay, nhà ga, đường cao tốc để không bỏ lọt bất kỳ du khách nào đến từ Nam Kinh, Trịnh Châu, Trương Gia Giới cũng như những nơi xuất hiện ổ dịch. Nhưng nỗ lực này không ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh. Cho đến nay, cả Bắc Kinh và Thượng Hải đều đã xuất hiện các ca dương tính với Covid-19.

Các thành phố trọng điểm khác như Thành Đô, Trùng Khánh, Thẩm Dương, Đại Liên và Trường Sa cũng đã báo cáo các trường hợp dương tính với Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại Nam Kinh. 

Vũ Hán, thủ phủ của Hồ Bắc và tâm chấn của làn sóng dịch đầu tiên hiện đã khôi phục một số biện pháp hạn chế kiểm dịch sau khi 7 công nhân nhập cư tại đây xét nghiệm dương tính với Covid-19. 

Theo NHC, mặc dù Trung Quốc hiện có tỷ lệ tiêm chủng thuộc top cao nhất toàn cầu nhưng một mối lo ngại khác đang xuất hiện rằng liệu các dòng vắc xin đã tiêm chủng có hiệu quả với biến thể delta đang lây lan hay không. 

Yang Xiaoming, chủ tịch của CNBG, một công ty con trực thuộc nhà sản xuất vắc xin Covid-19 Sinopharm khẳng định vắc xin do Sinopharm phát triển vẫn có tác dụng nhất định với các biến thể mới, nhưng đồng thời tiết lộ công ty này đang phát triển các dòng vắc xin mới có hiệu quả cao hơn với biến thể delta. 


NTTD
Cùng chuyên mục