Trung Quốc đang bơm thêm hơi vào "bong bóng nhà đất"?

28/05/2019 08:07 GMT+7
Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo, Trung Quốc cần hết sức thận trọng trong các quyết sách vì thị trường bất động sản nước này đang có dấu hiệu bong bóng tương tự như những gì xảy ra với Nhật Bản ở cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ những năm 80.

“Sự tương đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản cách đây vài thập kỷ nằm ở chính sách tiền tệ lỏng lẻo tạo cơ hội cho bong bóng nhà đất nảy sinh” - ông Naoyuki Yoshino, Giám đốc điều hành Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết.

Bong bóng bất động sản (bong bóng nhà đất) là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng giá bán bất động sản tăng vọt quá mức so với giá trị thực của bất động sản.

Từ những năm 2008, để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng những khoản vay tín dụng, qua đó thúc đẩy các khoản thế chấp, vay và đầu tư bất động sản tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ qua. Nhất là sau ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ - Trung, Bắc Kinh lại vung tiền vào những khoản đầu tư, trợ cấp, cho vay trong nước nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Và bong bóng bất động sản tại Trung Quốc giờ đây thậm chí đã lan cả đến những vùng nông thôn.

Cũng như Trung Quốc hiện tại, chính sách tiền tệ dễ dãi của Nhật Bản những năm 1980 đã tạo ra bong bóng kinh tế - tiền đề của sự suy thoái kinh tế kéo dài gần 25 năm.

Trung Quốc đang đối diện nguy cơ lớn từ hiện tượng bong bóng nhà đất

Ông Naoyuki Yoshino cảnh báo, bong bóng kinh tế và thập kỷ mất mát tại Nhật Bản là bài học cho Trung Quốc về khả năng sụp đổ của thị trường bất động sản nước này, nếu Bắc Kinh không có biện pháp phù hợp để thắt chặt chính sách tiền tệ. “Tôi lo lắng nếu giá đất tại Trung Quốc tiếp tục tăng thì nguy cơ thị trường nhà đất gặp tình trạng tương tự Nhật Bản chỉ là chuyện sớm muộn. Đã có quá nhiều dấu hiệu của bong bóng bất động sản tại Trung Quốc trước cả khi cuộc xung đột thương mại với Mỹ nảy sinh”.

Giá nhà đất tại Bắc Kinh đã tăng vọt từ khoảng 4,000 NDT/m2 (tương đương 578 USD) những năm 2000 lên tới 60,000 NDT/m2 (tương đương 8,677 USD) vào đầu năm 2019. Sự tăng giá nhà đất cũng khiến chỉ số giá/thu nhập (thước đo khả năng chi trả bất động sản) tăng mạnh từ 5.6 năm vào năm 1996 lên tới 7.6 năm vào năm 2013.

Theo Thời Báo Hoàn Cầu, giá nhà hợp lý nên cao gấp 3 đến 6 lần thu nhập hộ gia đình trung bình trong 1 năm. Điều đó tương đương với việc một gia đình bình thường sẽ chi trả xong khoản nợ nhà đất trong khoảng ít nhất 3 đến 6 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập tại Trung Quốc ở các thành phố lớn hiện nay thậm chí lên tới 30 đến 50 lần. Tức là một gia đình sẽ phải mất tới 50 năm làm việc cật lực mới đủ chi trả khoản vay nợ mua nhà, nếu muốn sở hữu một căn hộ tại Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến.

Mối quan ngại về bong bóng bất động sản càng tăng lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7; khởi đầu bằng hành động tăng thuế từ 10% lên 15% với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD vào đầu tháng 5.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại bong bóng bất động sản tại Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng từ xung đột thương mại và sớm chững lại, suy thoái do mất tính thanh khoản.

Mặc cho nỗ lực siết chặt các khoản cho vay rủi ro trong những năm qua của chính phủ Trung Quốc, giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng quá mức mà đại đa số người dân có thể chi trả, khiến nhiều nhà phát triển kinh doanh bất động sản rơi vào cảnh nợ nần.

“Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bong bóng nhà đất nóng tại các thành phố lớn” - ông Wang Yeqiang, nhà nghiên cứu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo. “Một khi bong bóng nhà đất vỡ tan, sự suy thoái trong lĩnh vực này dễ lây lan ra toàn bộ nền kinh tế”.

Alicia Garcia Herrero, nhà phân tích kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lưu ý rằng những chính sách trừng phạt thuế quan và hạn chế thương mại mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc thời gian vừa qua có sự tương đồng thấy rõ với những gì Mỹ đã làm tại Nhật vài thập kỷ trước.

“Bởi vì Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào kinh tế chính trị Mỹ, nên chắc chắn họ không có được sự chủ động và độc lập như Trung Quốc ở thời điểm hiện tại trong việc kiểm soát bong bóng kinh tế. Nhưng vị thế của Trung Quốc hiện tại thì khác. Trung Quốc dễ dàng điều chỉnh các chính sách kinh tế của mình để kiềm chế bong bóng nhà đất, tránh gây ra tổn thương cho toàn bộ nền kinh tế”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục