Trung Quốc dập dịch Covid-19 không giúp thủ phủ sản xuất Đông Quản thoát cơn khủng hoảng
Doanh nghiệp sản xuất của Jay Wang và Zhou Ping tại trung tâm sản xuất và xuất khẩu Đông Quản là hai trong số hàng triệu nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải đóng cửa suốt tháng 2 khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia tỷ dân này. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát trong nước, chính quyền dỡ bỏ hầu hết các lệnh phong tỏa hồi tháng 3, các nhà máy còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Hàng loạt đối tác từ Châu Âu và Mỹ đã đồng loạt hủy đơn hàng do đại dịch bùng phát trên toàn cầu những ngày qua.
Jay Wang cho biết: “Vào cuối tháng 2 (thời điểm chính phủ Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa trên cả nước), tôi nhận được các đơn đặt hàng với tổng số lượng 90.000 đôi giày. Nhưng vào tuần trước, 80.000 đôi đã bị hủy đặt hàng”. Và doanh nghiệp của Jay Wang không phải nhà sản xuất Trung Quốc duy nhất lâm vào tình cảnh ấy.
“Tình hình đang trở nên ngày càng bi quan, khi nhiều đối tác nước ngoài đình chỉ các đơn hàng trong vài tuần qua” - Zhou Ping nói thêm. “Công nhân của tôi đang gấp rút hoàn thành lô hàng cho một trong những khách hàng lớn nhất từ Ý, nhưng các đại lý giao dịch hôm qua đã gọi điện và yêu cầu chúng tôi tạm giữ lại lô hàng. Một đơn hàng từ Nhật Bản vẫn đang được sản xuất, nhưng tôi thậm chí không dám liên lạc với phía đối tác vì lo sợ họ sẽ hủy đơn”.
Nếu tình trạng dịch bệnh ở nước ngoài diễn biến tồi tệ thêm nữa khiến các lệnh phong tỏa kéo dài, cả hai doanh nghiệp của Jay Wang và Zhou Ping có nguy cơ phải yêu cầu lao động nghỉ phép với mức lương tối thiểu kể từ giữa tháng 4. “Nhiều nhà sản xuất như chúng tôi đã bỏ ra khoản tiền lớn để mua nguyên liệu thô. Xu hướng hủy đơn hàng hiện tại đang đưa doanh nghiệp vào những rủi ro lớn” - ông Zhou nhận định.
Những thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải cũng là lực cản mà Bắc Kinh phải đối mặt khi cố gắng khởi động lại ngành công nghiệp trì trệ do dịch Covid-19. Đông Quản hiện là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử và giày dép. Ước tính, khoảng 290 triệu lao động nông thôn làm việc trong các nhà máy địa phương. Nhưng giờ đây, việc đơn hàng xuất khẩu bị hủy liên tiếp gây ra mối quan ngại lớn với chủ doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.
Năm 2019, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 2,5 nghìn tỷ USD. Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang kêu gọi các doanh nghiệp nỗ lực duy trì vị thế thống trị trong chuỗi giá trị xuất khẩu toàn cầu. Nhưng những tác động ban đầu của dịch bệnh đã đưa chỉ số sản xuất, xuất khẩu và đầu tư công nghiệp giảm mạnh 2 con số trong 2 tháng đầu năm, và có xu hướng tiếp tục giảm trong các tháng tiếp theo.
Xu Xiaonia, giáo sư kinh tế và tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc hồi tuần trước nhận định: “Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài”.
“Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, dầu khí mà còn là thị trường sản xuất cho các đơn đặt hàng từ nước ngoài. GDP bình quân trên đầu người của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/5 so với Mỹ và 1/4 so với các nước Châu Âu. Sức mua trong nước không thể hỗ trợ năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc”, ông Xiaonia giải thích. Được mệnh danh là công xưởng thế giới, Trung Quốc cần đến các thị trường quốc tế để xuất khẩu số lượng sản phẩm khổng lồ tạo ra trong nước.
Nhưng tình hình thực tế cho thấy nhu cầu tiêu dùng quốc tế đang giảm. Điều này bắt đầu gây hiệu ứng lên thị trường việc làm Trung Quốc nói chung và thị trường việc làm Đông Quản nói riêng.
Li Dian và Zhang Qing, hai công nhân quê ở Hồ Nam đã đến Đông Quản để tìm kiếm một công việc với mức lương khoảng 4.000 NDT/ tháng (khoảng 13 triệu đồng), nghỉ một ngày/ tuần và cung cấp chỗ ăn, ở miễn phí. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cả hai nhận ra mức lương bình quân đã giảm mạnh so với năm ngoái. Dù vậy, họ muốn tìm kiếm công việc và bắt đầu làm việc càng sớm càng tốt khi nhiều nhà máy bắt đầu sa thải công nhân vì các đơn hàng giảm mạnh. “Chúng tôi thấy nhiều nhà máy đang ngừng tuyển dụng, và chúng tôi muốn tìm một công việc càng nhanh càng tốt”.
Zhang Xi, một đại lý tuyển dụng tại thị trấn Liaobu ở Đông Quản cho hay: “Quý II thường là mùa tuyển dụng cao điểm vì các nhà máy cần nhiều lao động nhất để chuẩn bị cho các đơn hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các nhà máy thường thuê rất nhiều công nhân thời vụ. Nhưng năm nay, nhiều nhà máy thậm chí đang cắt giảm việc làm. Mức lương bình quân mỗi giờ làm việc đã giảm từ khoảng 16 NDT (53 nghìn đồng/ giờ) xuống còn 13 NDT (43 nghìn đồng/ giờ) trong những tuần gần đây.
Tình hình căng thẳng của thị trường lao động cũng gây áp lực lên các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ phụ thuộc vào lao động nhập cư. Li Tian, chủ một nhà hàng ở đường Liabou, Đông Quản cho hay doanh thu hàng ngày giờ đây không đủ bù đắp chi phí hoạt động, khiến anh phải sa thải nhiều nhân viên phục vụ.
“Nhiều nhà hàng đã đóng cửa. Vợ tôi thậm chí nghĩ rằng có lẽ chúng tôi nên tạm đóng cửa nhà hàng và tìm một công việc ở nhà máy. Nhưng tìm việc ở độ tuổi của tôi là điều không hề dễ dàng” - ông Li Tian tâm sự.
Chính quyền Đông Quản tuyên bố rằng đa số các dự án đầu tư quan trọng cơ sở hạ tầng đã được nối lại trong tháng 3, còn phía Bắc Kinh cũng đang tăng cường các gói kích thích tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm xoa dịu thiệt hại từ dịch bệnh. Nhưng việc phục hồi nền kinh tế trong một sớm một chiều là không thể. Tình trạng thất nghiệp tăng lên và nhiều nhà hàng, nhà máy tiếp tục đóng của ở Đông Quản là minh chứng cho thấy nguy cơ suy thoái vẫn còn rõ rệt.
Good Will Watch, một nhà sản xuất đồng hồ hoạt động tại Đông Quản từ những năm 1990 mới đây cũng buộc phải kêu gọi công nhân nghỉ việc không lương sau khi khách hàng lớn nhất - thương hiệu đồng hồ Fossil của Mỹ tuyên bố đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Bắc Mỹ và Châu Âu do sự bùng phát dịch Covid-19.
Một công ty địa phương khác, Fantastic Toys với tuổi đời 18 năm và dây chuyền sản xuất tới 1.200 công nhân mới đây cũng tuyên bố phá sản khi các đơn hàng mới cạn kiệt, không thể trả lương cho công nhân.
Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 6,2% vào cuối tháng 2. Con số này thậm chí chưa bao gồm lao động nhập cư. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa với những khu vực sản xuất và xuất khẩu như Đông Quản, nơi khoảng 500.000 nhà máy và doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động. Một nhân viên tuyển dụng tại Đông Quản nhận định: “Dù muốn hay không, tình trạng suy thoái trên diện rộng đang diễn ra”.