Trung Quốc sẽ không còn là quốc gia đông dân nhất thế giới
Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, dân số của Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm khoảng 37% trong số 7.7 tỷ dân toàn cầu. Dân số Trung Quốc hiện là khoảng 1,4 tỷ, Ấn Độ theo sát nút với 1,3 tỷ dân.
Tuy nhiên, vào khoảng năm 2027, dân số của Ấn Độ sẽ vượt lên Trung Quốc theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2019 mà Liên Hợp Quốc vừa công bố. Dự báo đến những năm 2050, khoảng cách dân số giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng.
“Từ năm 2019 đến 2050, dự kiến 55 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ chứng kiến mức giảm dân số ít nhất 1%”. Nguyên nhân được báo cáo chỉ ra là tỷ lệ sinh con thấp và số dân di cư cao. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có mức giảm dân số lớn nhất, khoảng 31,4 triệu người, tương đương 2,2%.
Như vậy, đến khoảng năm 2050, số dân Trung Quốc sẽ giảm còn 1,1 tỷ người, kém xa con số 1,5 tỷ dân dự đoán của Ấn Độ.
Dân số thế giới sẽ tăng lên mức 9,7 tỷ người năm 2050
Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, dự kiến dân số toàn cầu sẽ tăng lên mức 9,7 tỷ người, một sự gia tăng đáng kinh ngạc. Thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 1950, cho thấy dân số toàn cầu thời điểm đó chỉ đạt 2,6 tỷ người.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc được biên soạn bằng phương pháp sử dụng nhân khẩu học và mô hình liên quan tính toán khả năng sinh sản, tỷ lệ tử vong và xu hướng di cư của con người, nhằm cung cấp cho Chính phủ các quốc gia những thông tin dự đoán để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều động thái chống lại nguy cơ suy giảm dân số trong thập kỷ tới. Tỷ lệ dân số già gia tăng cùng với tỷ lệ sinh giảm khiến Bắc Kinh ban hành nhiều chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Tuy nhiên, mức chi phí sinh hoạt ở các vùng đô thị ngày càng tăng khiến nỗ lực khuyến khích sinh con cho đến giờ vẫn không đạt hiệu quả đáng kể.
Một diễn biến khác trong Báo cáo Triển vọng dân số thế giới được Liên Hợp Quốc đưa ra, Nigeria sẽ trở thành quốc gia đông dân thứ ba năm 2050 với ước tính dân số khoảng 733 triệu người. Mỹ xếp sau Nigeria với 434 triệu dân ở vị trí thứ 4 và Pakistan nằm ở vị trí thứ 5 sát nút.
“Nhóm quốc gia tăng trưởng dân số nhanh nhất là các nước nghèo, nơi mà dân số tăng nhanh chỉ mang đến những nguy cơ nghèo đói và thách thức cho nền kinh tế” - ông Lưu Chấn Dân, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về kinh tế và xã hội cho hay.
Năm 2050, khoảng 50% dân số toàn cầu sẽ tập trung ở 9 quốc gia gồm: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ.