Trung Quốc tính "mượn tay" WTO trả đũa Mỹ: Quân bài mới trên bàn đàm phán?

23/10/2019 08:38 GMT+7
Trung Quốc mới đây đang yêu cầu WTO ban lệnh trừng phạt thuế quan trị giá 2,4 tỷ USD với hàng hóa Mỹ do một tranh chấp thương mại từ thời Obama. Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là quân bài tiếp theo của Bắc Kinh trên bàn đàm phán Mỹ Trung giai đoạn tới.
Trung Quốc tính "mượn tay" WTO áp thuế 2,4 tỷ USD trả đũa Mỹ: quân bài mới trên bàn đàm phán? - Ảnh 1.

WTO sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng về yêu cầu trừng phạt thuế quan 2,4 tỷ USD với hàng hóa Mỹ

Hôm 22/10, Trung Quốc đã thúc giục Tổ chức Thương mại Thế giới WTO trừng phạt thuế quan 2,4 tỷ USD với hàng hóa Mỹ sau khi cơ quan này phát hiện Washington đã không tuân thủ đầy đủ những phán quyết của WTO liên quan đến việc xóa bỏ thuế quan chống trợ cấp với các tấm pin năng lượng mặt trời, trạm đón gió… 

Năm 2012, dưới thời Tổng thống Obama, Bộ Thương mại Mỹ đã phê duyệt quyết định áp thuế với các mặt hàng Trung Quốc kể trên với ước tính trị giá khoảng 7,3 tỷ USD. Bắc Kinh sau đó đã đệ đơn khiếu nại lên WTO, yêu cầu cơ quan này buộc Mỹ đình chỉ khoản trừng phạt thuế quan vô lý trên đây. Tuy nhiên, theo lời Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, phán quyết của WTO thời điểm đó thừa nhận rằng Mỹ có đủ cơ sở và bằng chứng khi trừng phạt thuế quan Trung Quốc về hành vi trợ cấp kinh tế, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh.

WTO sẽ xem xét khiếu nại trừng phạt thuế quan 2,4 tỷ USD hàng hóa Mỹ của Trung Quốc vào ngày 28/10 tới đây. Cơ quan này sẽ là bên cuối cùng đưa ra phán quyết liệu mức trừng phạt này có phù hợp với những thiệt hại đã gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc hay không. Nhưng theo ông Simon Lester - một cựu quan chức WTO, thì bất kỳ một yêu cầu trả đũa thương mại nào cũng sẽ trải qua thời gian cân nhắc kéo dài, và mức phạt cuối cùng chắc chắn thấp hơn 2,4 tỷ USD.

Thực chất, mức trừng phạt thuế quan 2,4 tỷ USD mà Bắc Kinh yêu cầu WTO chỉ như “muối bỏ bể” so với hành động trừng phạt thuế quan mà Washington áp lên 550 tỷ USD hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tất cả các mức trả đũa hay trừng phạt thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc ban hành kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ tháng 7/2018 đều vi phạm các quy tắc của WTO. Chỉ riêng mức trừng phạt thuế quan 2,4 tỷ USD mà Bắc Kinh đang thúc giục WTO thông qua là hợp pháp.

“Nếu được phê duyệt, mức thuế này sẽ trở thành một quân bài có sức nặng của Bắc Kinh trên bàn đàm phán” - theo ông Henry Gao, giáo sư luật trường đại học Singapore Management. “Mức trừng phạt mà WTO cho phép có thể được Bắc Kinh áp dụng với bất cứ hàng hóa xuất xứ từ Mỹ nào. Các biện pháp trả đũa có thể là tạm thời, nhưng cũng có thể sẽ được áp dụng lâu dài như một chiến lược hợp pháp trong xung đột thương mại”.

Hành động của Bắc Kinh cũng thể hiện nỗ lực tìm kiếm những tác động từ hệ thống thương mại đa phương và các tổ chức kinh tế - thương mại toàn cầu để gây áp lực cho Washington thay vì áp đặt những biện pháp trả đũa bất hợp pháp. 

Về phía Mỹ, chính quyền Donald Trump từ lâu đã chỉ trích bộ máy giải quyết tranh chấp quốc tế của WTO là lỗi thời và không phù hợp với tình hình thực tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó liên tiếp thực hiện hàng loạt hành động đơn phương như danh sách đen và trừng phạt thuế quan để nhắm vào những chính sách kinh tế của Trung Quốc mà Mỹ cho là không lành mạnh.

Ông Ben Kostrzewa, một luật sư thương mại quốc tế tại Hogan Lovells, đồng thời là cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cảnh báo rằng: “Trung Quốc nên cân nhắc kỹ trước khi tiến hành các trừng phạt thuế quan để tránh kích động Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từ lâu đã liên tiếp chỉ trích WTO về các chính sách thương mại với Trung Quốc.

Còn Bryan Mercurio, giáo sư luật thương mại toàn cầu tại Đại học Hồng Kông thì nhận định hành động yêu cầu WTO xem xét thuế quan trừng phạt đã nói lên rằng Trung Quốc đang tìm kiếm những chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia một cách nghiêm túc, đồng thời tạo nên đòn bẩy có lợi trên bàn đàm phán. 

Deborah Elms, Giám đốc Trung tâm Thương mại Châu Á cảnh báo thêm: “Hãy nhớ rằng Mỹ và Trung Quốc hiện chưa có một thỏa thuận nào. Có thể hai bên sắp tiến gần tới thỏa thuận. Nhưng bất kỳ một tác nhân tiêu cực nào cũng có thể sử dụng như cái cớ để leo thang xung đột, và khoản trừng phạt thuế quan trị giá hàng tỷ USD chắc chắn là cái cớ tuyệt vời để đàm phán đổ bể”.

Và tất nhiên rồi, nếu mức thuế mà Bắc Kinh yêu cầu thực sự được WTO phê duyệt, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục chứng khiến những “phản ứng dữ dội” từ Tổng thống Donald Trump, giáo sư Henry Gao nhận định.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục