Năm 2012, chính phủ Bắc Kinh đặt ra một mục tiêu dài hạn đầy tham vọng: xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc phát triển và thịnh vượng toàn diện vào năm 2049 - tức trong 100 năm sau ngày thành lập đất nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Với những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đã đạt được kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1978 đến nay, tham vọng này hoàn toàn có khả năng trở thành sự thực. Nhưng không thể phủ nhận những thách thức to lớn mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trên hành trình đó, chẳng hạn dân số già, bất bình đẳng giữa nông thôn - thành thị, hệ thống tài chính bất ổn, tỷ lệ sáng tạo trong nền kinh tế và phát triển chưa bền vững, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn năng lượng carbon.

Đó là chưa kể tới chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc hiện đang vấp phải mâu thuẫn lớn với nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ và các nước châu Âu, dẫn đến những hệ lụy từ căng thẳng địa chính trị ngày một leo thang.

Bài viết Trung Quốc 2049 được xuất bản lần đầu trên tạp chí Tài chính và Phát triển của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gần đây đã nghiên cứu những chiến lược chính sách vĩ mô có thể đưa Trung Quốc đến mục tiêu tham vọng này. Tài liệu được viết bởi thành viên cấp cao David Dollar từ Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton, Viện nghiên cứu Brookings cùng Yiping Huang I- Giáo sư Kinh tế và Tài chính, giám đốc Viện Tài chính Kỹ thuật số tại Đại học Bắc Kinh và Yang Yao - học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh báo với Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, rằng nhân loại sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khó lường trong những thập kỷ tới. Nhưng có một điều đã được lường trước từ lâu: Trung Quốc sẽ phải giải quyết thách thức lớn khi cơ cấu dân số đang già đi nhanh chóng. Tỷ lệ sinh hiện tại của quốc gia này đã giảm xuống chỉ còn 1,7 lần sinh/ phụ nữ.

Việc Trung Quốc hủy bỏ chính sách sinh một con không khiến tỷ lệ trẻ sơ sinh trong nước tăng mạnh. Cũng như nhiều quốc gia châu Á đông dân khác, những cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc phải đối mặt với thực tế chi phí nhà ở và giáo dục trẻ rất cao, khiến họ đi tới lựa chọn chỉ sinh một con, hoặc thậm chí không sinh con.

Ngay cả khi mức sinh được cải thiện, lực lượng lao động của Trung Quốc vẫn sẽ sụt giảm trong vòng 20 năm tới. Dân số trong độ tuổi lao động hiện đã bắt đầu giảm và dân số già dự kiến sẽ tăng mạnh trong vài thập kỷ tới. Nhóm người trên 65 tuổi sẽ tăng hơn gấp đôi lên 400 triệu người vào năm 2049. Trong khi đó, nhóm người trên 85 tuổi sẽ tăng hơn gấp 3 lần lên khoảng 150 triệu người, vượt qua tổng số dân trên 85 tuổi ước tính ở cả Mỹ và châu Âu trong cùng kỳ.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 3.

Già hóa dân số vừa là vấn đề xã hội vừa là thách thức kinh tế lớn. Chính phủ Trung Quốc khi đó cần dành ra nhiều nguồn lực hơn để tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe. lương hưu và hỗ trợ người già.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc. Đại dịch đã được kiểm soát thành công ở quốc gia này nhờ sự huy động những nguồn lực khổng lồ cả về vật tư y tế và nhân lực đến nơi cần thiết. Nhưng khi dân số già tăng lên trên toàn quốc, Bắc Kinh cần củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và nguồn lực y tế trên toàn bộ hệ thống chứ không chỉ những nơi cần thiết như cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua. Đặc biệt là tại các vùng nông thôn, nơi có nhiều người già sinh sống với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thường không có người chăm sóc.

Do đó, nghiên cứu Trung Quốc 2049 của nhóm tác giả đề xuất tăng dần độ tuổi nghỉ hưu để tăng quy mô nhóm người trong độ tuổi lao động từ mức hiện tại. Nhóm người trên 65 tuổi có thể lựa chọn tiếp tục cống hiến nếu sức khỏe cho phép. Tăng cường các chính sách thu hút sự tham gia của lực lượng lao động nữ giới. Qua đó giảm tỷ lệ dân số già, giảm chi phí an sinh xã hội và tăng năng suất trong nền kinh tế.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 2.

40 năm cải cách và tăng trưởng của Trung Quốc diễn ra đồng thời với quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng. Dân số thành thị đã tăng với tốc độ nhanh chóng, khoảng 1% mỗi năm, từ mức 20% thời điểm năm 1978 lên khoảng 60% ở thời điểm hiện tại. Con số này bao gồm hơn 200 triệu lao động nhập cư thành thị mà hiện trên hộ khẩu, họ vẫn là cư dân nông thôn.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 5.

Sự di cư này đã tạo thành một nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lao động di cư phải đối mặt với nhiều ràng buộc nhất định. Chẳng hạn khó có thể đưa con cái và cha mẹ cùng di cư lên thành phố do những người này khó có khả năng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội đầy đủ (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, lương hưu) ở thành thị. Kết quả là nhóm người lao động di cư đến thành phố bị chia rẽ với gia đình, cha mẹ, con cái của họ.

Những hạn chế về đăng ký hộ khẩu thành thị đang được cải cách, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ. Nhưng với những khu đô thị lớn nhất cả nước như Quảng Châu và Thượng Hải, việc kiểm soát hộ khẩu vẫn diễn ra rất chặt chẽ.

Theo nghiên cứu Trung Quốc 2049 của nhóm tác giả, việc dỡ bỏ các hạn chế di cư trong nước có thể mang lại cho quốc gia này những lợi ích lớn. Về mặt xã hội, nó sẽ giúp cân bằng cơ cấu dân số già ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, nó cho phép trẻ em tiếp cận với hệ thống giáo dục hiện đại ở thành thị, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống lao động trong tương lai. Người già cũng có khả năng tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế chất lượng cao.

Về mặt kinh tế, vẫn còn tình trạng dư thừa nguồn cung lao động ở khu vực nông thôn và các chính sách di cư dễ dàng hơn sẽ giúp chuyển dịch lực lượng lao động đến thành thị, tận dụng tối đa nguồn nhân lực trong nước.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 3.

Một nghịch lý thú vị về thành công của Trung Quốc là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng bất chấp hệ thống tài chính kém phát triển. Trung Quốc từng bị xếp vào nhóm những nền kinh tế bị kiểm soát tài chính mạnh mẽ nhất trong số các nền kinh tế lớn, cả về lãi suất, phân bổ tín dụng và kiểm soát dòng vốn xuyên biên giới. 

Hệ thống tài chính của Trung Quốc gần như bị chính phủ kiểm soát hoàn toàn cho đến những năm 1980, trước khi cải cách, nhưng rồi cải cách lại đình trệ từ khoảng năm 2000 đến nay.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 7.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 cho đến trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc chứng kiến thời kỳ phát triển hoàng kim với tốc độ tăng trưởng GDP kỷ lục. Dù tăng trưởng tín dụng nhanh nhưng tăng trưởng GDP mạnh mẽ đã giúp duy trì các chỉ số như tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP ổn định. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng 2008 đã thay đổi cục diện đó. Để hỗ trợ nền kinh tế và duy trì nhu cầu trước khủng hoảng toàn cầu, Trung Quốc chọn cách tăng mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cách bơm tín dụng cho chính quyền địa phương và các doanh nghiệp quốc doanh quan trọng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như thép, bất động sản...Đồng thời, chính quyền trung ương quyết định chuyển nhiều nguồn lực hơn vào các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, với hy vọng biến họ thành những gã khổng lồ đa quốc gia. 

Tuy nhiên, việc mức nợ chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng mạnh đã khiến nợ quốc gia tăng lên mức báo động. Điều này cho thấy hệ thống tài chính khi đó hoạt động kém hiệu quả. Bởi nếu các khoản đầu tư đó tạo ra hiệu ứng tăng trưởng mạnh thì tỷ lệ nợ trên GDP quốc gia vẫn sẽ ổn định hoặc tăng chậm hơn. 

Để so sánh: vào đầu thập niên 2000, sau khi Bắc Kinh tăng cường đầu tư trực tiếp để nâng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP - chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động) tăng từ mức 2,6%/ năm lên mức ấn tượng 3,9% cho đến trước khủng hoảng tài chính 2007-2008.. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, chỉ số này chưa bao giờ phục hồi, chỉ tăng nhẹ ở mức 0,2%/ năm từ năm 2015-2019.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 8.

Năng suất trì trệ là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc cần đổi mới nhiều hơn và cải cách hệ thống tài chính đa dạng để hỗ trợ đà tăng năng suất. Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc hiện có nhiều động lực đổi mới: thị trường nội địa rộng lớn, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên tới 2,4% GDP, lực lượng hàng triệu nhà khoa học, kỹ sư và nhà phát triển phần mềm tốt nghiệp mỗi năm; luật bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, sản lượng đổi mới không nhất quán. Có một số lĩnh vực tiến bộ kỹ thuật ấn tượng, chẳng hạn như fintech và trí tuệ nhân tạo, nhưng tăng trưởng năng suất dựa trên đổi mới cho toàn bộ nền kinh tế còn yếu. Nhà nước vẫn dành nhiều nguồn lực cho các doanh nghiệp quốc doanh, trong khi hầu hết các bằng sáng chế được tạo ra bởi khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Nghiên cứu Trung Quốc 2049 chỉ ra rằng Trung Quốc nên tập trung vào củng cố toàn bộ nguồn lực đổi mới, bao gồm cả hệ thống tài chính, thay vì tập trung hỗ trợ một số ngành và công nghệ cụ thể. Nhìn chung, đổi mới sẽ là chìa khóa quan trọng để Trung Quốc bắt kịp các mục tiêu môi trường đã đặt ra, đặc biệt là mục tiêu không phát thải ròng carbon vào năm 2060, qua đó đạt đến phát triển bền vững.

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 4.

Việc Trung Quốc có bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến về GDP bình quân đầu người hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng tiếp tục hội nhập thương mại và tăng cường đầu tư toàn cầu. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc hiện đã đạt một số thành tựu nhất định: từ một nền kinh tế ít mở cửa thành quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới và lần đầu tiên trong năm 2020 trở thành nước nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. 

Trung Quốc và đường tới tham vọng "thịnh vượng toàn diện" 2049 - Ảnh 10.

Tuy nhiên, môi trường quốc tế hiện nay đầy thách thức với Bắc Kinh khi căng thẳng địa chính trị với các quốc gia tiên tiến không có dấu hiệu hạ nhiệt. Các công ty công nghệ Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhiều hạn chế thương mại và đầu tư. Có nguy cơ Trung Quốc sẽ quay lại thúc đẩy thị trường nội địa theo chương trình “lưu thông kép” mà Bắc Kinh đưa ra gần đây, trong đó nhấn mạnh vai trò của đổi mới quốc gia và nhu cầu trong nước. Các phản ứng như vậy sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến Trung Quốc mà còn đến tăng trưởng năng suất toàn cầu nói chung. 

Một xu hướng đối kháng gần đây là việc Trung Quốc trở thành thành viên trong các hiệp định kinh tế lớn, chẳng hạn như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp định đầu tư toàn diện với Liên minh Châu Âu. Trung Quốc cũng đã mở một cuộc đối thoại với các thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương về tư cách thành viên trong tương lai. Điều này sẽ đòi hỏi những cải cách đáng kể, chẳng hạn như cải cách trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, mở cửa lĩnh vực tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài...

Nghiên cứu Trung Quốc 2049 chỉ ra rằng việc tiếp tục mở cửa nền kinh tế và đàm phán các hiệp định thương mại & đầu tư mới là hướng đi rất hợp lý với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Nhưng việc Trung Quốc có thành công trong mục tiêu dài hạn đầy tham vọng: xây dựng quốc gia phát triển và thịnh vượng toàn diện vào năm 2049 hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc Bắc Kinh giải quyết những thách thức nội tại (dân số già, phân hóa nông thôn - thành thị, hệ thống tài chính kém hiệu quả…) như thế nào.