Trung Quốc yêu cầu gia nhập CPTPP, Nhật Bản và Úc nói gì?

18/09/2021 11:33 GMT+7
Nhật Bản và Úc hôm 17/9 cùng bày tỏ quan điểm thận trọng khi Trung Quốc đệ trình đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cuối ngày 16/9, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao tuyên bố đã đệ trình đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do CPTPP trong một thông điệp gửi đến Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor gần đây.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP ban đầu được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào tháng 1/2017, Hiệp định được chỉnh sửa và phê duyệt bởi 11 thành viên còn lại bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, đồng thời đổi tên thành CPTPP. Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2018.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay cả Nhật Bản và Úc hiện đều tỏ ra thận trọng và quan ngại trước nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc, do hoài nghi nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh khó sẵn sàng tuân thủ các điều kiện để gia nhập hiệp định này. Cũng có quan ngại rằng việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ “bẻ cong” hiệp định theo hướng có lợi cho nước này.

Trung Quốc yêu cầu gia nhập CPTPP, Nhật Bản và Úc nói gì? - Ảnh 1.

Hiệp định CPTPP hiện bao gồm 11 quốc gia thành viên (Ảnh: The Korea Times)

Phản ứng trước đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết: “Nhật Bản cho rằng cần xem xét, xác định liệu Trung Quốc - quốc gia vừa đệ trình đơn xin gia nhập TPP-11 đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao để tham gia hiệp định thương mại tự do này hay chưa”. Đặc biệt, sự sẵn sàng thỏa hiệp của Bắc Kinh trong các vấn đề như trợ cấp doanh nghiệp nhà nước là một trong những vấn đề bị hoài nghi nhiều nhất.

Về phía Úc, nước này vốn đang bị cuốn vào một cuộc căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra vốn đã trở nên rạn nứt khi chính phủ Canberra cấm Huawei tham gia cung cấp thiết bị linh kiện cho mạng 5G vào năm 2018. Sau đó, vào đầu năm 2020, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc do các biện pháp hạn chế thương mại từ Bắc Kinh.

Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết: “Như thông điệp chúng tôi đã chuyển tới Trung Quốc trước đó, đây là vấn đề quan trọng cần sự tham gia của quan chức các nước”. Điều này ám chỉ việc Canberra khó có thể ủng hộ việc bắt đầu đàm phán quá trình gia nhập CPTPP của Trung Quốc trừ khi các hạn chế thương mại được Bắc Kinh dỡ bỏ.

Theo Nikkei Asian Review, rất ít nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ được chấp nhận tham gia CPTPP. Thay vào đó, Nikkei cho hay nhiều nhà phân tích nhận định có vẻ như Bắc Kinh đang tìm cách gia nhập bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào mà Mỹ không có mặt nhằm bành trướng tầm ảnh hưởng quốc tế.

Trước đó, Trung Quốc cũng có tên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP - một hiệp định thương mại tự do bao gồm 15 quốc gia thành viên được ký kết vào giữa tháng 11/2020 tại Hà Nội. Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Hiệp định vào tháng 3 năm nay và đẩy nhanh các công tác chuẩn bị kỹ thuật cần thiết để đảm bảo hiệp ước đi vào thực tiễn sớm nhất với quy trình cắt giảm thuế quan và chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thương mại suôn sẻ nhất.

Cho đến nay, RCEP là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 10 quốc gia thuộc ASEAN cùng với 5 nền kinh tế lớn khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Hiệp ước thương mại RCEP dự kiến sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á - một khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt.


NTTD
Cùng chuyên mục