TT-Huế: Thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng 33,4% dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Chiều 7/7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6/2021 nhằm đánh giá những kết quả 6 tháng đầu năm, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021.
Theo báo cáo, mặc dù bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt 5,64%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng trưởng 4,86%, chiếm 47,74% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 30,33%, tăng trưởng 6,91%; sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 12,64%, tốc độ tăng trưởng 4,66%.
Điểm sáng đáng chú ý là thu ngân sách tỉnh ước đạt 5.357 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.772 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công ước đạt 25,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ và đạt 54,4% kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã huy động vốn ước đạt 54.600 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm...
Tại cuộc họp, các thành viên UBND nhận định, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quy mô nền kinh tế nhỏ, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, do vậy đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch, lượng khách du lịch đến tỉnh giảm mạnh. Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nên các dự án khởi công mới cần có thời gian để hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán và tổ chức đấu thầu nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, thời gian tới tỉnh tiếp tục nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu thực hiện hài hòa, thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chú trọng đạ dạng hoá thị trường xuất khẩu; theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn; ổ chức triển khai ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19…