Từng giàu nhất châu Á, nhà tài phiệt TQ đã mất 32 tỷ USD mà chưa thể vực dậy đế chế của mình

16/03/2021 13:29 GMT+7
Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm) từng là tỷ phú giàu nhất châu Á, sở hữu đế chế bất động sản thương mại Dalian Wanda Group (Tập đoàn Vạn Đạt). Tuy nhiên, sau khi mất 32 tỷ USD trong vòng chưa đầy 6 năm do sự suy sụp của đế chế Vạn Đạt, cái tên Vương Kiện Lâm hiện thậm chí không còn trong top 30 người giàu nhất Trung Quốc.

Ở thời hoàng kim, tập đoàn Vạn Đạt không chỉ vươn bàn tay đầu tư bất động sản ở nhiều châu lục trên thế giới mà còn nắm trong tay hàng ngàn rạp chiếu phim thuộc chuỗi rạp chiếu lớn nhất hành tinh AMG, mua trọn cả xưởng phim Legendary lừng lẫy Hollywood và có 20% cổ phần câu lạc bộ bóng đá Atletico Madrid. Cái tên tỷ phú Vương Kiện Lâm trở thành một biểu tượng cho sự giàu có và thịnh vượng của nền kinh tế mới nổi Trung Quốc.

Giờ đây, người đàn ông 66 tuổi này thậm chí còn không lọt vào danh sách 30 người giàu nhất Trung Quốc, khi mất khoảng 32 tỷ USD tài sản cá nhân trong vòng chưa đầy sáu năm để đổ vào nỗ lực cứu vãn đế chế Vạn Đạt. Vương Kiện Lâm tìm cách giảm khoản nợ 56 tỷ USD của tập đoàn này và xoay chuyển từ đế chế bất động sản thương mại sang hoạt động giải trí, nhưng cú “lột xác” lại vấp phải sự hoài nghi của giới đầu tư cùng cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Từng giàu nhất châu Á, nhà tài phiệt TQ đã mất 32 tỷ USD mà chưa thể vực dậy đế chế của mình - Ảnh 1.

Từ người giàu nhất châu Á, nhà tài phiệt TQ Vương Kiện Lâm đã mất 32 tỷ USD mà chưa thể vực dậy đế chế của mình

Cổ phiếu đồng USD của tập đoàn Vạn Đạt là một trong số những tài sản đầu tiên bị bán tháo vào đầu tháng này, khởi đầu cho chuỗi giảm trên diện rộng của thị trường chứng khoán châu Á. Động thái bán tháo một phần là do quan ngại của nhà đầu tư về tính thanh khoản thấp của Vạn Đạt, vốn đang chìm trong nợ nần cùng với hàng loạt đại gia bất động sản Trung Quốc lừng lẫy một thời như HNA Group Co., China Evergrande Group và Anbang Group. Holdings Co.

Tuần trước, Vạn Đạt buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát AMC Entertainment Holdings Inc khi cổ phần tập đoàn này nắm giữ hiện chỉ còn chiếm chưa đầy 10% trong chuỗi rạp phim lớn nhất hành tinh. Tính đến tháng 6/2020, tổng nợ của Vạn Đạt đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017 do đại dịch Covid-19 giáng đòn mạnh mẽ vào chuỗi rạp phim, trung tâm thương mại, công viên giải trí, khách sạn… và nhiều tài sản khác mà tập đoàn này nắm giữ. Trước khi đại dịch bùng phát, gần một nửa doanh thu năm 2019 của Vạn Đạt đến từ các trung tâm thương mại và khách sạn.

Ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 gây ra với Vạn Đạt là rất đáng kinh ngạc.

Công ty con chuyên mảng sản xuất phim và điều hành rạp chiếu phim của Vạn Đạt cho biết họ có thể đã ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục lên tới 1 tỷ USD vào năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận Vạn Đạt giảm mạnh gần 50%. Mặc dù trở thành cổ phiếu được yêu thích trong đợt tăng giá cổ phiếu do các nhà đầu tư Reddit đứng sau trong thời gian qua, chuỗi rạp chiếu AMC mà Vạn Đạt nắm giữ cổ phần đã nhiều lần cảnh báo đang tiến gần bờ vực vỡ nợ kho doanh thu giảm mạnh 77%.

Điều may mắn là nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Việc các rạp chiếu phim và trung tâm thương mại mở cửa trở lại rất sớm đã cho Vương Kiện Lâm thêm thời gian để chèo lái con thuyền Đại Liên Vạn Đạt, thúc đẩy chiến lược giảm nợ. Một trong những biện pháp được đưa ra là cắt giảm việc mua các tài sản bất động sản. Chủ tịch Xiao Guangrui hồi năm ngoái từng tuyên bố Vạn Đạt - một trong những nhà điều hành trung tâm thương mại lớn nhất thế giới - sẽ tạm dừng đầu tư các lô đất mới bắt đầu từ năm nay và cấp phép thương hiệu cho các đối tác khác.

Tuy nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp con vượt qua sóng gió từ cuộc khủng hoảng đại dịch, không có gì chắc chắn rằng nhà đầu tư của Vạn Đạt sẽ bình tĩnh chờ đợi tập đoàn khởi sắc, nhất là sau sự suy sụp của hàng loạt đế chế bất động sản thương mại Trung Quốc khác trong thời gian gần đây như HNA, Evergrande và mới nhất là Suning Appliance Group Co. Ngoài ra, Vạn Đạt cũng đang phải đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn về tín dụng trong lĩnh vực bất động sản khi các cơ quan quản lý Trung Quốc tìm cách hạn chế rủi ro tài chính. Hàng loạt tổ chức tài chính như Fitch Ratings, S&P Global Ratings và Moody's Investors Service đều xếp hạng Vạn Đạt ở mức phi đầu tư do gánh nặng nợ quá lớn.

Với sự suy sụp của Vạn Đạt, khối tài sản của tỷ phú Vương Kiện Lâm cũng giảm mạnh từ mức đỉnh 46 tỷ USD hồi năm 2015 xuống chỉ còn 14 tỷ USD, theo bảng xếp hạng của Bloomberg. Đà sụt giảm mạnh mẽ này bắt đầu khi chính phủ Trung Quốc đàn áp hoạt động mở rộng của các tập đoàn bất động sản trong nỗ lực giảm nợ và kiềm chế bong bóng tài sản.



NTTD
Cùng chuyên mục