Tuyên Quang: 120 tỷ hợp đồng nuôi, tiêu thụ trâu, bò đã được ký kết

23/10/2019 06:11 GMT+7
Sáng 22/10, tại Thành phố Tuyên Quang, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức thành công Hội nghị "Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hội viên, nông dân và Ký liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản...". Tại buổi đối thoại đã có nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân trị giá lên tới 120 tỷ đồng.
Tuyên Quang: 120 tỷ hợp đồng nuôi, tiêu thụ trâu, bò đã được ký kết - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn (trái) và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang Trương Xuân Quý chủ trì cuộc Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hội viên, nông dân và Ký liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản...

Tại hội nghị, nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được ký kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như Công ty CP Nông sản Phú Gia (Thanh Hoá) ký hợp tác cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm thức ăn chăn nuôi với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) với số lượng dự kiến 5.000 con bò/năm, tổng giá trị 60 tỷ đồng.

Hay như Công ty CP T&T 159 (Hà Nội) ký hợp đồng cung cấp các dịch vụ về triển khai tiêu thụ phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp bê đực giống và bao tiêu sản phẩm dự kiến 2.500 bò với tổng giá trị 30 tỷ đồng/năm.

Tương tự, Công ty TNHH thực phẩm Mạnh Quang ký thỏa thuận hợp tác với Hợp tác xã Tiến Thành trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm thịt trâu, bò, giá trị khoảng 30 tỷ đồng/năm; Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang ký biên bản chương trình hợp tác với Công ty CP đầu tư và bán lẻ BT hỗ trợ hội viên, nông dân khởi sự kinh doanh tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn...Tổng giá trị các hợp đồng kinh tế, thỏa thuận hợp tác được ký kết trong buổi sáng hôm nay tại Hội nghị lên tới trên 120 tỷ đồng.

Sau lễ ký kết các hợp đồng kinh tế, chương trình hợp tác liên kết sản xuất đã diễn ra cuộc đối thoại thẳng thắn giữa lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang với bà con nông dân. Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh... đã trả lời hàng chục câu hỏi của hội viên, nông dân về các nhóm vấn đề như: sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; cơ chế chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; sản xuất nông nghiệp gắn với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm... Bên cạnh những câu hỏi vĩ mô, có rất nhiều câu hỏi cụ thể, gắn chặt với đời sống sản xuất của nông dân trong tỉnh, như về bệnh nấm ở cây keo; tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi; nâng mức cho vay hộ nghèo trong chương trình tín dụng chính sách...

Tuyên Quang: 120 tỷ hợp đồng nuôi, tiêu thụ trâu, bò đã được ký kết - Ảnh 2.

Tại hội nghị, nhiều hội viên, nông dân tỉnh chủ động đặt các câu hỏi thẳng thắn có nội dung liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành.


Tuyên Quang: 120 tỷ hợp đồng nuôi, tiêu thụ trâu, bò đã được ký kết - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt trả lời, giải đáp các câu hỏi liên quan đến ngành nông nghiệp, chính sách nông nghiệp mà nhiều hội viên, nông dân đặt ra tại hội nghị sáng nay, 22/10.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, ông Trương Xuân Quý, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết: Ngay sau Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2018 - 2023), Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang xác định Hội phải có vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm cao trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bằng các chương trình, việc làm cụ thể, thiết thực.

Theo ông Trương Xuân Quý, để thực hiện được vai trò, nhiệm vụ nêu trên, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng và ban hành Nghị quyết duy nhất trong nhiệm kỳ là Nghị quyết số 02-NQ/HNDT về việc Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn 2019-2023.

Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ/HNDT đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi. Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho chuỗi sản phẩm Trâu Tuyên Quang với thương hiệu là "Trâu ngố Tuyên Quang". Bên cạnh đó, tính đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã quản lý có hiệu quả ngân hàng bò gần 1.800 con với 3.800 hộ nông dân được hưởng lợi từ chương trình. Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân quản lý, điều hành đang cho hội viên vay thực hiện 30 dự án nuôi trâu, bò với tổng số tiền 10,42 tỷ đồng, góp phần nâng tổng số dự án nuôi trâu, bò đã cho vay vốn là 65 dự án với tổng số tiền 20 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt tại Hội nghị,  ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết, trong các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội ở Tuyên Quang, Hội Nông dân tỉnh là tổ chức đầu tiên thực hiện được một Hội nghị liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa rất thiết thực, sát với nhu cầu cụ thể của hội viên, nông dân và phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Ông Phạm Minh Huấn khẳng định, Thường trực UBND tỉnh cũng rất hoan nghênh, ghi nhận ý tưởng, chương trình hoạt động cụ thể của Hội Nông dân trong việc chủ động tham mưu, tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hội viên, nông dân gắn với việc Ký liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Quang Phương
Cùng chuyên mục