USD tăng giá: Đã đến mức đáng ngại?

15/05/2019 10:13 GMT+7
Có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ VND giữ giá so với USD dù vẫn còn nhiều biến động khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ảnh minh họa.

Tỷ giá biến động nhẹ

Ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm USD/VND thêm 7 đồng, lên mức 23.054 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.746 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.362 VND/USD.

Sở Giao dịch NHNN duy trì giá mua vào ở mức 23.200 VND/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết thấp hơn giá trần 50 đồng, ở mức 23.696 VND/USD.

Ở một số ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn, đồng bạc xanh tăng giá mua vào và bán ra phổ biến ở mức 50 VND/USD so với phiên trước đó.

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND trung tâm tăng 226 đồng, tương ứng khoảng 1%.

Trước đó, đánh giá về diễn biến USD/VND trong tuần từ 6 - 10/5/2019, báo cáo nghiên cứu SSI Retail Research của Công ty Chứng khoán SSI cho biết: “Kết thúc tuần, tỷ giá USD/VND chiều mua vào/bán ra ở mức 23.285/23.405 trên ngân hàng và 23.350/23.370 trên thị trường tự do, tăng so với cuối tuần trước 95 VND/USD với tỷ giá bán của ngân hàng và 75 VND/USD với các tỷ giá còn lại”.

Bộ phận nghiên cứu này cho hay, việc Trung Quốc đột ngột rút lại hầu hết các cam kết đã đạt được trong những vòng đàm phán trước đã châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump. Kết quả là, Mỹ đã chính thức tăng thêm hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Diễn biến vừa qua thể hiện sự khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và một điều khá rõ ràng là mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc còn rất lớn, khó có thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của đồng nhân dân tệ (CNY) sẽ có tác động nhất định đến VND. Tuy nhiên, theo báo cáo này, vẫn có những cơ sở để tin tưởng rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục được kiểm soát. Đó là, kinh nghiệm điều hành của Chính phủ và NHNN; dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức cao nhất từ trước tới nay; triển vọng gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FII) từ những thương vụ bán vốn lớn; Trung Quốc sẽ phải có biện pháp mạnh nhằm kiểm soát đồng nội tệ như đã từng làm trong năm 2018.

Nhiều yếu tố lạc quan

Nhận xét về diễn biến tỷ giá từ đầu năm đến nay, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “VND có lúc tăng lúc giảm, tổng mức giảm chưa vượt quá 1% nên chưa có gì đáng ngại. Xét tương quan với lạm phát từ đầu năm đến nay, càng thấy rõ mức giảm giá của VND là không đáng kể”.

Về xu hướng từ nay đến cuối năm, theo ông Lai, dù nhiều yếu tố khó lường trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tác động đến tỷ giá, tuy nhiên, VND nhiều khả năng biến động không lớn, hay nói cách khác là khá vững vàng so với các đồng tiền khác.

Trong khi đó, VND có thể được hưởng lợi từ một số yếu tố khác trên thị trường quốc tế hiện nay. Đó là, thặng dư thương mại hàng hóa đang ở mức khá lớn, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đạt mức 752 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn có thể dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước khác sang Việt Nam.

“Nếu các dòng chảy ngoại tệ từ xuất khẩu và đầu tư vẫn đổ về Việt Nam thì có thể yên tâm về tỷ giá USD/VND. Thực tế, dòng ngoại tệ này chưa có dấu hiệu bị kẹt ở đâu cả”, ông Lai phân tích.

Tương đồng quan điểm về những yếu tố tích cực này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bình luận: “Bên cạnh các yếu tố tích cực như cán cân thương mại tốt, dòng vốn đầu tư khả quan, tỷ giá USD/VND còn được sự điều chỉnh linh hoạt từ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ. Tôi tin là, tỷ giá này chỉ tăng khoảng 2% so với cuối năm trước”.

Theo Báo Đấu thầu
Cùng chuyên mục