Vải không xuất khẩu được, sẽ bán online
Tại cuộc họp thường kỳ mới đây của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Minh Chiến Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, dịch bệnh Covid-19 khiến công tác xúc tiến thương mại, giao thương theo hình thức truyền thống là trực tiếp đi ra nước ngoài hoặc mời các đối tác đến không thể thực hiện được.
Theo đó, thời gian gần đây, khi thời kỳ mùa vụ tới gần, dư luận đặc biệt quan tâm về việc quả vải Việt Nam có nguy cơ "lỡ hẹn" với một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc,…
"Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã đề xuất và được lãnh đạo Bộ Công đồng ý về việc triển khai hàng loạt các hội nghị giao thương trực tuyến qua mạng internet. Thông qua các hội nghị trực tuyến như vậy, chúng ta đã truyền tải được thông điệp tới các doanh nghiệp trên thế giới về hàng hoá của Việt Nam.
Sắp tới khi vào mùa thu hoạch vải, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh như hiện tại, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các địa phương. Đặc biệt, để hỗ trợ cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đối với quả vải, Bộ Công Thương đã có đoàn làm việc trực tiếp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang. Sau đó, đã có thống nhất giữa Bộ Công Thương với tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức một hội nghị giao thương kết nối cung cầu của nhằm xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong năm 2020", ông Chiến cho biết.
Cũng theo thông tin từ ông Chiến, dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6, trùng với thời điểm bắt đầu mùa vụ vải của tỉnh Bắc Giang. Hội nghị sẽ được tổ chức hình thức trực tuyến với 1 đầu cầu tại tỉnh Bắc Giang kết nối trực tiếp với 62 tỉnh, thành của Việt Nam.
Cùng với đó, kết nối trực tiếp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc. Theo đại diện cục Xúc tiến thương mại, Quảng Tây, Vân Nam là hai tỉnh tiêu thụ chính vải xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
"Tại hội nghị này, ở các đầu cầu tại Việt Nam, chúng tôi sẽ mời đại diện của các Sở Công Thương. Về phía Trung Quốc là Sở Thương mại của 2 hai tỉnh cùng với các hiệp hội ngành hàng liên quan. Dự kiến, trên cả 2 đầu cầu của Việt Nam và Trung Quốc sẽ mời khoảng 60 doanh nghiệp.
Không chỉ đối với quả vải, dự kiến vào tháng 7, chúng tôi đã bàn với tỉnh Sơn La và sẽ tổ chức một hội nghị xúc tiến tiêu thụ tương tự nhằm tiêu thụ quả nhãn cho địa phương này", ông Chiến thông tin thêm.
Ngoài ra, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, đối với các mặt hàng nông sản như vải hoặc nhãn chỉ có theo vụ mùa. Do đó, việc xúc tiến thương mại thông qua hình thức trực tuyến là rất quan trọng.
"Ví dụ như về vải, chỉ có khoảng 3 tuần, 1 tháng, thậm chí tại nhiều vùng chỉ có hơn 2 tuần. Nếu chúng ta không làm nhanh thì có nghĩa quả vải bắt buộc phải vứt đi. Trong bối cảnh dịch Covid – 19, thị trường Trung Quốc cũng đang rất cần.
Hiện tại, có đến hàng trăm các thương nhân của Trung Quốc sẵn sàng vào Việt Nam, chấp nhận cách ly để có thể giao dịch, mua vải. Rõ ràng họ có nhu cầu mua thì ngược lại chúng ta có nhu cầu bán. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp mở rộng, không phải là chỉ tập chung đối với thị trường Trung Quốc đâu mà còn nhiều các thị trường khác", ông Hải phân tích.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho hay, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã giao dịch trực tuyến với cả Nhật Bản để có thể tìm cách để xuất khẩu sang các thị trường khác. Như vậy, các bộ, ngành phải có sự phối hợp với nhau để làm vì đây là việc chung.
"Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và nhất là phối hợp với các hiệp hội, các địa phương, doanh nghiệp để làm tốt việc này. Về câu hỏi nếu quả vải không xuất được thì sao? Đấy cũng là một vấn đề rất lớn, tuy nhiên, không phải bây giờ mới có mà đã nêu từ trước. Với mặt hàng nông sản của chúng ta như quả vải chỉ ăn tươi mới ngon mà không xuất khẩu được thì để làm gì?
Thực ra hiện nay các doanh nghiệp và các địa phương, cũng đã rất sáng tạo. Nhiều nơi đã chế biến vải khô, sau đó, xuất đi dưới dạng đồ hộp. Thậm chí họ còn làm ra đủ các sản phẩm mà chúng tôi đã đi rất nhiều tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La và được thưởng thức. Theo tôi, vấn đề này hết sức quan trọng và chúng ta phải tăng cường để tránh tình trạng mùa vụ quá ngắn không xuất khẩu được khiến giá thấp, thậm chí phải đổ đi", ông Hải nhấn mạnh.