VEAM: Thành viên Hội đồng Quản trị xin từ nhiệm

10/04/2024 15:37 GMT+7
Bà Nguyễn Thị Nga - Thành viên của Hội đồng quản trị (HĐQT) VEAM từ ngày 24/1/2017 đã xin thôi giữ chức vụ từ ngày 5/4/2024 với lý do cá nhân.

Cụ thể, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (UPCoM: VEA) công bố thông tin về việc bà Nguyễn Thị Nga (Madame Nguyễn Thị Nga) gửi đơn đề nghị thôi giữ chức danh thành viên HĐQT.

Lý giải về việc từ nhiệm, bà Nga cho biết, bà không thể tiếp tục đảm nhận vai trò thành viên HĐQT tổng công ty do công việc cá nhân của bà. Do đó, bà Nga đề nghị được chấp thuận thôi giữ chức danh này kể từ ngày 5/4/2024.

VEAM cho biết, HĐQT công ty sẽ trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua đơn đề nghị này. Nếu đơn đề nghị thôi chức vụ của bà Nga được chấp thuận, HĐQT VEAM sẽ còn lại 4 thành viên. Trong đó bao gồm ông Nguyễn Khắc Hải (Chủ tịch), ông Phan Phạm Hà, ông Nguyễn Tiến Vỵ và ông Pham Kim Kha.

VEAM: Thành viên Hội đồng Quản trị xin từ nhiệm- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Nga - Thành viên HĐQT VEAM.

Bà Nguyễn Thị Nga vốn được biết đến là Chủ tịch Tập đoàn BRG và Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), bà đã tham gia HĐQT VEAM từ ngày 24/1/2017 đến nay.

Kiểm toán UHY đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ tại BCTC năm 2023 của VEAM

Tại báo cáo kiểm toán, Kiểm toán UHY cho biết, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán 44,2 tỷ đồng (tại ngày 31/12), trong khi đó tại ngày 1/1 ghi nhận 166,1 tỷ đồng (bao gồm các khoản phải thu về gốc và lãi hỗ trợ vốn là 121,2 tỷ đồng).

Kiểm toán UHY cho rằng, đơn vị này không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá tại báo cáo tự lập liên quan đến khả năng thu hồi các khoản phải thu trên.

Giài trình về vấn đề này, VEAM cho biết, các khoản nợ phải thu trên phát sinh tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo và Viện Công Nghệ. Các đơn vị đã thực hiện đối chiếu nợ phải thu đến tất cả khách hàng. Tuy nhiên, một số khách hàng chưa phản hồi và khách hàng vẫn đang thực hiện thanh toán nên chưa đủ cơ sở để trích lập dự phòng. VEAM cho biết, các đơn vị này đã thành lập ban thu hồi công nợ và tích cực triển khai thu hồi công nợ.

VEAM

Báo cáo hợp nhất đã kiểm toán năm 2023 của VEAM.

Vấn đề thứ hai kiểm toán UHY ngoại trừ là tại ngày 31/12, VEAM trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 739,4 triệu đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn động, chậm luân chuyển là 106,8 tỷ đồng (giá trị trích lập tại ngày 1/1 là hơn 1 tỷ đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho đọng, chậm luân chuyển là 123,8 tỷ đồng).

Kiểm toán UHY cho hay, họ không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho chậm luân chuyển nêu trên một cách hợp lý, cũng như không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán thay thế để xác định giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần phải trích lập.

Trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, VEAM cho biết, đối với một số mặt hàng tồn kho ứ đọng từ nhiều năm trước (thời kỳ công ty TNHH) và chậm luân chuyển tại công ty mẹ, công ty con. Tại thời điểm lập báo cáo, các đơn vị chưa hoàn thành việc khảo sát trên thị trường các sản phẩm cùng loại để có cơ sở đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn đọng.

Cuối cùng, kiểm toán UYH cho rằng, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý tại ngày 31/12 với giá trị là 456,9 tỷ đồng (bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của CTCP Vật tư và Thiết bị Toàn bộ ("Matexim") là 453,1 tỷ đồng) đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Kiểm toán UYH đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ với khoản này với lý do không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá về khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.

VEAM cho hay, chi phí trả trước dài hạn tại Công ty Matexim chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và một số chi phí khác của Nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước. Hiện, nhà máy sắt xốp đang gặp khó khăn phải ngừng sản xuất nên chưa đánh giá được các khoản mục chi phí liên quan.

Bên cạnh đó, Công ty Matexim đang xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra. Kế hoạch tăng vốn tại Công ty Matexim cũng được thực hiện từng bước

Linh Anh
Cùng chuyên mục