Vì sao chưa đầy 1% doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán?
Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khi nói về việc các công ty bất động sản chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết để có thể huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán.
Nhiều dự án phải “đắp chiếu” trong thời gian dài vì đói... vốn.
Theo ông Châu, để thích nghi với lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản, HoREA đã có 8 khuyến nghị đối với doanh nghiệp. Trước hết là tăng vốn chủ sở hữu; chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết để có thể huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán; phát hành trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài (tìm kiếm nguồn vốn FDI)...
Thế nhưng, theo ông Lê Hoàng Châu, kênh huy động vốn bằng cổ phiếu có vẻ còn khá xa lạ và chưa hấp dẫn. Con số chỉ có 65/10.000 doanh nghiệp bất động sản cả nước niêm yết trên sàn chứng khoán đã nói lên điều đó.
Mặt khác, số lượng các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) còn quá ít. Bên cạnh một vài quỹ đầu tư bất động sản nước ngoài, mới chỉ có một quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) trong nước là Qũy TechReit của Ngân hàng Techcombank (với vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng) nên cũng chưa thực sự là kênh cung cấp vốn cho thị trường bất động sản.
HoREA kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019 sẽ tạo điều kiện hình thành nhiều quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) trong thời gian tới để cung cấp vốn cho thị trường bất động sản.
Từ những lý do trên, HoREA đề xuất tiếp tục giữ trần 40% từ nay đến hết năm 2020 về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn. Tiếp đó, theo lộ trình cụ thể như: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/6/2021: 37%; từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022: 34%; từ ngày 1/7/2022: 30%.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản, nhưng mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, đề xuất giữ trần 40% đến hết năm 2020 là "cứu cánh" cho doanh nghiệp bất động sản bởi hiện nay, nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản chiếm khoảng 21% tổng nguồn vốn FDI nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản.