Vì sao giá đường vẫn tăng mặc dù tiêu thụ chậm?
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong nửa đầu tháng 4 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục làm chủ thị trường.
Đặc biệt đường nhập khẩu từ Thái Lan vào giai đoạn trước khi áp thuế và đường nhập theo hình thức tránh né thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma) đang hoàn toàn làm chủ thị trường.
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA cho biết hiện nay, tình hình tiêu thụ đường từ mía rất chậm vì lượng đường nhập khẩu về trước khi áp thuế lượng rất lớn.
Sau khi áp thuế thì đường nhập tránh thuế cũng không giảm quá nhiều, chủ yếu theo hình thức gian lận xuất xứ.
Các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu như nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu qua biên giới hoàn tòan làm chủ thị trường bất chấp khủng hoảng logistic đối với đường chính ngạch và việc kiểm soát biên giới đối với đường nhập lậu.
Đường sản xuất từ mía đang tồn kho không tiêu thụ được. Nguồn cung đường đang đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, các nhà máy đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân nhưng tiêu thụ đường với mặt bằng giá mới không thể thực hiện trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
Giá mía đầu vào đã tăng lên từ mức 750.000 - 800.000 đồng/kg năm 2020 lên hơn 1 triệu đồng/kg kéo theo chi phí sản xuất đường tăng từ mức khoảng 10.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg.
Trong khi đó giá đường trong nước khoảng 16.000 - 17.000 đồng/kg.
"Một số doanh nghiệp thậm chí phải bán lỗ vì chi phí tăng cao trong khi không tiêu thụ được", ông Lộc nói.
Mặc dù tiêu thụ đường khó khăn khăn như giá vẫn tăng 7.000 đồng/kg so với năm ngoái. Lý giải cho điều này, ông Lộc cho biết giá đường tăng nhờ 3 lý do: Giá ở thị trường quốc tế tăng; giá đường nhập lậu cũng tăng lên khoảng dưới 16.000 đồng/kg và chi phí sản xuất cũng tăng.
Theo thông tin từ tổ chức ISO, trong nửa đầu tháng 4/2021 cho thấy chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng dao động theo xu hướng tăng.
Nhận định của các nhà phân tích thị trường cho rằng xu hướng tăng giá do tác động của trạng thái tăng mua khống trở lại của các quỹ đầu cơ, khi các thông tin về tình hình vào vụ ép không được suông sẻ từ Bazil và sự thất bát của vụ thu hoạch củ cải đường tại Pháp.
Theo VSSA, dự kiến vụ ép 2020-2021 của ngành đường Việt Nam sẽ kết thúc trong tháng 4. Các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu tiếp tục hiện diện và làm chủ thị trường.
Ông Lộc cho biết sản lượng đường năm nay dưới 700.000 tấn trong khi nhu cầu trong nước là 2 triệu tấn. Phần nguồn cung còn chủ yếu là đường nước ngoài và tồn kho từ các doanh nghiệp.
"Cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho không bán được, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 4/2021 và tháng 5/2021 và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu", VSSA nhận định.