Vì sao giá xăng tại Mỹ giảm liên tục
Theo CNN, người tiêu dùng Mỹ đang đón nhận tin vui. Đó là giá xăng ghi nhận chuỗi giảm kéo dài tới 70 ngày. Số liệu của AAA Gas Prices chỉ ra giá xăng trung bình trên toàn quốc liên tục sụt giảm sau khi lập đỉnh 5,02 USD/gallon hôm 14/6.
Theo Bespoke Investment Group, đây là chuỗi giảm dài thứ 2 của giá xăng kể từ năm 2005. Tính đến ngày 23/8, giá xăng trung bình toàn quốc đã giảm còn 3,88 USD/gallon. Cách đây một tháng, mức giá là 4,38 USD/gallon.
Giá vẫn cao hơn 0,73 USD/gallon so với một năm trước đó. Nhưng đây đã là mức giảm đáng kể so với kỷ lục hơn 5 USD/gallon cách đây 2 tháng.
Nhu cầu suy yếu
Có một số lý do khiến giá xăng sụt giảm trong mùa hè, nhưng không phải tất cả đều tích cực. Trước hết, khi giá vượt ngưỡng 5 USD/gallon, nhiều tài xế quyết định lái xe ít đi.
Nhu cầu sụt giảm giúp cân bằng thị trường, từ đó kéo tụt giá xăng.
Cùng với đó, những lo ngại về một cuộc suy thoái tại các nền kinh tế lớn đã khiến giá dầu thô thế giới giảm mạnh, kéo giá xăng giảm theo. Ngoài ra, những yêu cầu chống dịch gắt gao tại Trung Quốc cũng đè nặng lên nhu cầu dầu thế giới.
Cụ thể, các số liệu vừa được công bố cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ đã sụt giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 8 của Mỹ - do S&P Global tổng hợp - lao dốc xuống 45 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Theo S&P Global, PMI của khu vực đồng euro - đo lường hoạt động trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - cũng giảm từ 49,9 trong tháng 7 xuống 49,2 vào tháng 8, mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.
Sản lượng trong lĩnh vực sản xuất đã ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Số lượng đơn hàng mới trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều sụt giảm. Trong khi đó, các nhà máy ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng lên do nhu cầu giảm.
Còn ở Trung Quốc, do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa và khủng hoảng trong ngành địa ốc, nền kinh tế đã giảm tốc tăng trưởng trong quý II và tháng 7. Đợt nắng nóng kỷ lục cũng giáng thêm đòn cho nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tình trạng thiếu hụt điện do nắng nóng và hạn hán đã khiến tỉnh Tứ Xuyên - trung tâm sản xuất chất bán dẫn, pin lithium và phụ tùng xe - ra lệnh đóng cửa hầu hết nhà máy. Điều này có thể tác động tới nhu cầu dầu tại nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Đà giảm sẽ kéo dài bao lâu?
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xả kho dầu dự trữ cũng giúp giảm bớt áp lực trên thị trường năng lượng. Cuối tháng 7, Washington xả thêm 20 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) để hạ giá xăng dầu.
Trước đó, vào cuối tháng 3, ông Biden cũng ra lệnh xả 1 triệu thùng dầu/ngày trong 6 tháng để đối phó với cú sốc giá dầu do xung đột Nga - Ukraine.
Vào giữa tháng 6, tại Mỹ, giá xăng trung bình toàn quốc đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau đợt lao dốc trong mùa hè, mức tăng được thu hẹp còn 19%.
Theo Bespoke, tính đến nay, mức tăng của giá xăng chỉ cao hơn 1 điểm phần trăm so với ngưỡng trung bình 17 năm qua.
Tuy nhiên, chuỗi giảm của giá xăng có thể chấm dứt nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng. Đến nay, dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã lấy lại mốc giá quan trọng 100 USD/thùng.
Mới đây, Saudi Arabia cảnh báo OPEC+ có thể giảm sản lượng để kìm hãm đà giảm mạnh của giá dầu.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng "biến động và thanh khoản thấp" đã gửi đi tín hiệu sai lệch về tình trạng khan hiếm nguồn cung vật chất hiện tại.
Ông khẳng định với cơ chế hiện tại, OPEC+ "có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả giảm sản lượng bất cứ lúc nào".
Ngoài ra, theo báo cáo chính thức, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 5,632 triệu thùng trong tuần trước, lớn hơn nhiều mức dự báo 900.000 thùng.
Viện Nghiên cứu Năng lượng Mỹ dự báo SPR sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm vào cuối tháng 10 tới với lượng tồn kho khoảng 358 triệu thùng, giảm mạnh so với 621 triệu thùng một năm trước đó.