Vì sao Mỹ ép WTO hủy tư cách "nước đang phát triển" của Trung Quốc?
Ông Trump trả lời phỏng vấn tại Nhà Trắng
Ông Trump đang nhắm đến Trung Quốc trong một tuyên bố với Đại diện Văn Phòng Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, rằng Mỹ chưa bao giờ chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc là nước đang phát triển. "Mọi chỉ số kinh tế của nước này đều phản ánh điều đó" - Donald Trump khẳng định. Đáp lại cáo buộc của Trump, Trung Quốc cho rằng nước này vẫn là một quốc gia đang phát triển và cần có chính sách linh hoạt, mềm mỏng từ WTO.
Tổng thống Mỹ từ lâu đã đi ngược lại những quan điểm chính trị của WTO. Ông Trump cáo buộc WTO đang sử dụng một thước đo lỗi thời để phân loại các quốc gia đang phát triển và đã phát triển, điều vô hình chung khiến nhiều quốc gia được hưởng các lợi thế không công bằng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra Mỹ không thể sử dụng luận điệu này để biện minh cho các biện pháp trừng phạt thuế quan hay phi thuế quan áp đặt lên Trung Quốc.
Động thái chỉ trích của Trump được thực hiện ngay trước khi các quan chức thương mại Mỹ đặt chân đến Thượng Hải, nối lại vòng đàm phán đã đình trệ vào tháng Năm. Quan điểm của Mỹ trong đàm phán là Trung Quốc nên từ bỏ vị thế quốc gia đang phát triển, điều mà Trung Quốc tuyên bố sẽ không xảy ra. “Mỹ đang lặp lại mánh khóe cũ, gây áp lực khi hai nước chuẩn bị tiến tới đàm phán thương mại cấp cao” - thông điệp phát đi từ kênh truyền hình CCTV Trung Quốc cho hay.
Derek Scissors, chuyên gia Trung Quốc tới từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho hay hành động của Trump có tác động rất ít đến tư tưởng của Bắc Kinh. “WTO ít có khả năng đưa ra các quyết định mạo hiểm. Mỹ có lẽ sẽ đe dọa rời WTO để gây áp lực, động thái sẽ khiến Trung Quốc phải lo lắng”.
Trump lưu ý rằng Đại diện Văn phòng Thương mại Robert Lighthizer có 90 ngày để xác định xem WTO liệu có một động thái tiến bộ đáng kể nào trong việc tái phân loại các quốc gia đang phát triển hay không. Nếu không, Mỹ buộc phải hành động đơn phương.
Ranh giới "đang phát triển" và "phát triển"
“Mặc dù làn sóng kinh tế thế giới đã có bước chuyển mình lớn kể từ sau khi WTO được thành lập năm 1995, thì tổ chức này vẫn đang dựa vào những tiêu chuẩn lỗi thời để phân loại quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Điều này cho phép một số thành viên WTO được hưởng lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế” - ông Trump khẳng định.
“Gần 2/3 thành viên WTO nhận được sự đối xử đặc biệt trong WTO vì họ là những nước đang phát triển”. 7/10 nền kinh tế giàu nhất thế giới vẫn được xếp vào các quốc gia đang phát triển, như Kuwait, Macau, Qatar, Singapore, Brunei, UAE. Điều đó cũng xảy ra với Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, các thành viên của nhóm G20.
Luật lệ và đặc quyền thương mại
Jennifer Hillman, cựu quan chức WTO cho biết những lợi ích mà các nước đang phát triển nhận được từ WTO thực sự khá hạn chế, chủ yếu liên quan đến quá trình đàm phán thỏa thuận đa phương, thời gian họ cần để thỏa mãn các điều kiện đàm phán. Nhưng bà cũng khẳng định, quan điểm mà Trump đưa ra về sự phân loại là chính xác.
Rufus Yerxa, nguyên phó Tổng giám đốc WTO cho hay một số điều khoản trong thỏa thuận trợ cấp của WTO cũng như Luật Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu các quốc gia phát triển có cách đối xử khác biệt với quốc gia đang phát triển.
“Giờ đây, có vẻ như chính quyền Trump đang tuyên bố họ sẽ không thực hiện điều khoản đó với những quốc gia mà họ không xếp vào hàng đang phát triển” - ông Yerxa nhận định. “Điều này có thể không mang nhiều ý nghĩa thương mại nhưng về mặt ý nghĩa biểu trưng, nó rất quan trọng”.
Mỹ từ lâu đã lo ngại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ lợi dụng “danh xưng” nước đang phát triển để giành lấy các đặc quyền thương mại. Đó là một trong những nguyên nhân chính phá vỡ vòng đàm phán thương mại WTO tại Doha năm 2008 khi chính quyền của Tổng thống George W. Bush phủ quyết vị thế đang phát triển của Ấn Độ. Nhưng chính quyền Trump giờ đây đang đi xa hơn những người tiền nhiệm, Mỹ thậm chí đe dọa rút khỏi WTO.
Chad Bown, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết không thể lường trước những hành động của chính quyền Trump, vì các chiến thuật thương mại của họ đa dạng và táo bạo. Nhưng rõ ràng, một cuộc chỉ trích chống lại WTO đang diễn ra.