Vì sao nhiều sản phẩm nông nghiệp sáng tạo chưa tiếp cận được người tiêu dùng?
Việc đưa sản phẩm ra thị trường đối với các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn
Hạn chế vốn và công nghệ
Lý giải về tình trạng này, ông Đỗ Hoàng Thạch – Giám đốc công ty CP Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Qua thực tiễn hoạt động, có cơ hội tiếp xúc và kết nối với các doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành trên cả nước, tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp sản xuất có những sản phẩm chất lượng tốt nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế.
Chẳng hạn như: Hạn chế thứ nhất là về mặt quy mô sản xuất chưa đủ lớn để có thể liên kết, kết nối với các doanh nghiệp khác. Thứ hai là về tiêu chuẩn chất lượng chưa rõ ràng, chưa có sự tiếp xúc với các kênh phân phối để nắm rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường để sản xuất tốt hơn. Thứ ba là hạn chế trong vấn đề liên kết, rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa có nhiều cơ hội tiếp cận trong lĩnh vực thương mại.
Chính vì vậy, mặc dù có sản phẩm tốt nhưng vấn đề vốn và yếu tố công nghệ để chế biến sâu thì còn gặp nhiều hạn chế. Đó chính là những trở ngại để cho những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể liên kết để tạo thành những chuỗi giá trị phát triển bền vững.
Giải pháp nào?
Tính đến thời điểm hiện tại, luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã triển khai được 02 năm, trong thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều những chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp lại đòi hỏi rất nhiều những vấn đề đặc thù, ảnh hưởng của thời tiết, biến động của thị trường, có thể coi mỗi doanh nghiệp nông nghiệp như một xí nghiệp ngoài trời nên hoạt động còn rất khó khăn.
Hiện nay, đối với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, có đến hơn 80% là các hợp tác xã và các hộ sản xuất nên khả năng tiếp cận đối với cơ chế chính sách còn rất hạn chế. Vì vậy, có lẽ chính sách của Nhà nước vẫn cứ ban hành nhưng chưa triển khai hiệu quả đến từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Giải pháp cốt lõi vẫn là doanh nghiệp cần tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam và đưa ra các dòng sản phẩm có giá phù hợp với túi tiền và thị hiếu người tiêu dùng nông thôn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất hàng giá rẻ cho khu vực nông thôn.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất hàng giá rẻ cho khu vực nông thôn
Còn ông Đỗ Hoàng Thạch thì cho rằng, một trong những hoạt động giúp doanh nghiệp khắc phục được những hạn chế đó là phải tăng cường liên kết thông qua mô hình 6 nhà. Đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp với các nhà phân phối và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Đặc biệt phải có sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý Nhà nước về mặt quản lý chính sách đồng thời có thêm sự hỗ trợ về mặt công nghệ từ các nhà khoa học cũng như sự hỗ trợ về nguồn vốn từ các ngân hàng. Có như vậy mới có thể tạo ra những mô hình sản xuất phát triển một cách bền vững.
Chính vì vậy theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng, cần phải xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà phân phối gặp gỡ, kết nối và trao đổi kinh nghiệm cũng như thúc đẩy các hợp đồng hợp tác kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc công ty CP Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam: cần tăng cường liên kết thông qua mô hình 06 nhà
Để hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề trên, Giám đốc công ty CP Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam tin rằng, các chính sách về nông nghiệp của Việt Nam cần được triển khai sâu rộng hơn nữa đến từng khu vực để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất. Tiếp theo đó là khung khổ pháp lý cần có sự cụ thể hóa cho từng nhóm doanh nghiệp nông nghiệp như: doanh nghiệp trồng trọt, doanh nghiệp chăn nuôi, doanh nghiệp thủy sản, doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước cũng như doanh nghiệp tập trung cho hoạt động xuất khẩu.
Đồng thời, chúng ta cũng cần tổ chức các cách thức tiếp cận thông qua nhiều hình thức bao gồm: đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, tập huấn, tư vấn trực tiếp qua các nhóm hỗ trợ cho doanh nghiệp,... Có như vậy mới có thể đưa chính sách vào hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp một cách hiệu quả và toàn diện nhất.