Vì sao phải xây dựng Tiêu chuẩn quy phạm sản xuất nước mắm?

21/03/2019 15:41 GMT+7
Câu chuyện về nước mắm một lần nữa gây ồn ào dư luận. Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN 12607:2019) do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) chủ trì xây dựng đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận. Vì sao lại cần phải xây dựng tiêu chuẩn này?

 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đã phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về quá trình xây dựng tiêu chuẩn nước mắm mà 2 đơn vị này cùng tham gia soạn thảo.

Không bắt buộc áp dụng

Trước đó, trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc cho rằng, những chính sách, quy định mà các cơ quan chức năng liên tục đưa ra trong thời gian qua, mục đích là để thắt chặt nước mắm truyền thống, tạo điều kiện về thị phần, thị trường cho nước mắm công nghiệp, có lợi cho các tập đoàn sản xuất nước mắm, nước chấm công nghiệp (?)

Thông tin đến báo chí, TS Đào Trọng Hiếu- Phó phòng Phát triển thị trường thủy sản, thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Từ năm 2017, Cục đã được Bộ NNPTNT giao nhiệm vụ biên soạn Dự thảo TCVN “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Cục đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo đảm bảo đầy đủ trình tự xây dựng TCVN.

Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống lo ngại, tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm sẽ gây khó khăn cho họ trong quá trình áp dụng

TS Đào Trọng Hiếu cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo dự thảo TCVN quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Ban soạn thảo dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003), TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam.

Sau đó, PV Báo NTNN đã nêu câu hỏi: Vì sao thời điểm này phải ban hành tiêu chuẩn nước mắm? Vì sao không xây dựng đồng bộ giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn (QCVN) đối với nước mắm?

Trả lời, TS Đào Trọng Hiếu cho biết: “Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tiêu chuẩn đưa ra những khuyến nghị tự nguyện áp dụng, không bắt buộc, còn quy chuẩn thì bắt buộc áp dụng. Thông điệp đưa ra tiêu chuẩn này xuất phát từ đòi hỏi yêu cầu từ thực tiễn chúng ta cần phải quan tâm kiểm soát bất kể quy mô sản xuất như thế nào cũng cần phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá nâng cao nhận thức, uy tín cũng như chất lượng đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nhu cầu đòi hỏi chính đáng và xu thế tất yếu của người tiêu dùng: Bỏ tiền mua sản phẩm cũng cần biết xuất xứ ra sao”.

Làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: “Mục đích của việc xây dựng TCVN đối với nước mắm nhằm đưa ra các khuyến nghị thực hành sản xuất tốt nước mắm, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Theo ông Linh, mặc dù dự thảo tiêu chuẩn đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu khá công phu trong khoảng 9 năm (2008-2017) và gần 2 năm tổ chức xây dựng dự thảo (2017-2018), vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về các khuyến nghị kỹ thuật trong dự thảo.

Tiêu chuẩn để phục vụ xuất khẩu

Tại buổi gặp gỡ báo chí, TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, mục đích của việc ban hành TCVN đối với nước mắm trước tiên là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vì trước đây đã có dự thảo chứ không phải bây giờ mới có.

Theo ông Đáng, tất cả các cơ sở sản xuất nước mắm hiện nay đều dựa trên quá trình lên men tự nhiên. Tiêu chuẩn này chỉ đưa ra các biện pháp, không đưa ra các chỉ tiêu, mà đưa ra các quy định về chức năng, điều kiện, tương tự như GMP trong nước mắm, áp dụng cho tất cả các cơ sở chế biến nước mắm.

“Ở góc độ an toàn thực phẩm, tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, đưa ra tiêu chuẩn này còn hơi chậm. Vì thị trường cá hiện nay cũng gặp phải nhiều vấn nạn như tràn dầu, ô nhiễm tảo độc, nên cá cũng có thể bị ô nhiễm. Tiêu chuẩn này đưa ra là để cảnh báo các mối nguy. Nó đưa ra phù hợp với nguyên tắc kiểm soát và đúng với quy phạm thực hành chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và FAO. Bây giờ chỉ là cụ thể vào từng tiêu chuẩn và sớm ban hành để áp dụng cho toàn bộ các cơ sở chế biến nước mắm”- ông Đáng chia sẻ.

Nội dung tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm

NTNN xin trích lược một vài nội dung chính trong tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm tới bạn đọc.

  1. Giúp nhà sản xuất nhận diện toàn bộ các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn (vật lý, hóa học, sinh học) có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm trên từng công đoạn, trong toàn bộ quá trình sản xuất.
  2. Tính chất của tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không hề đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng.
  3. Mục đích công bố tiêu chuẩn này là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, định hướng, giúp nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, dự thảo tiêu chuẩn này cũng đang vấp phải sự phản đối của một số hiệp hội, nhà sản xuất nước mắm truyền thống  ở 2 nội dung:

  1. Không chấp nhận khái niệm nước mắm nguyên chất và nước mắm như trong dự thảo, mà cần phải trả lại đúng tên là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
  2. Một số chỉ tiêu nêu trong dự thảo được cho là dễ áp dụng với các cơ sở sản xuất nước mắm công nghiệp, gây khó cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.

Ban soạn thảo cho biết, đã tiếp nhận các góp ý trên để xem xét và điều chỉnh.

Giải đáp về việc áp dụng chỉ tiêu histamine trong nước mắm, TS Vũ Ngọc Quỳnh - nguyên Giám đốc Văn phòng Codex tại Việt Nam cho biết: “Với mục đích có thể hỗ trợ xuất khẩu cho ngành nước mắm, Việt Nam và Thái Lan đã đề nghị Codex xây dựng tiêu chuẩn Codex về nước mắm, không phải chỉ cho 2 nước, mà xây dựng cho toàn thế giới với 189 nước thành viên (95% dân số thế giới). Đã xuất khẩu chúng ta phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Ông Lê Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP SX&TM Xuyên Việt (Gia Lộc, Hải Dương) cho rằng: “Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta không chỉ chơi trên sân nhà mà còn phải cạnh tranh với các đối thủ của các nước tiên tiến khác, nên cần phải có quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Bản thân Xuyên Việt và thương hiệu nước mắm Biển Vàng cũng nhận được đề nghị góp ý về quy phạm này rất nghiêm túc. Chúng tôi cũng tán thành và mong muốn các doanh nghiệp khác cũng sẽ có định hướng về vấn đề ATTP đối với nước mắm”.

Nguyên Linh
Cùng chuyên mục