Vietcombank: Lợi nhuận tăng 41%, vốn hóa thị trường xấp xỉ 13 tỷ USD

22/07/2019 15:41 GMT+7
Nửa đầu năm, Vietcombank chính thức vượt mốc 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thu nhập nhân viên bình quân 36 triệu đồng/người/tháng. Vốn hóa thị trường của nhà băng này lên tới 13 tỷ USD.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên với lợi nhuận trước thuế kỷ lục lên tới 11.303 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, nửa đầu năm 2019, Vietcombank ghi nhận tổng doanh thu (bao gồm thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự) từ mảng tín dụng của Vietcombank lên đến 32.802 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng cho vay tiếp tục đem về cho Vietcombank 25.762 tỷ đồng, tăng trưởng 25,4% và chiếm tỷ trọng 78,5%. Thu lãi từ mảng kinh doanh, đầu tư chứng khoán với 4.209 tỷ đồng, tăng 7,5% và chiếm tỷ trọng 18,5%. Còn lại là doanh thu từ lãi tiền gửi, cho thuê tài chính, nghiệp vụ bảo lãnh và doanh thu khác.

Thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng khi mang về 17.078 tỷ đồng, tăng 24% và chiếm 74% tổng thu nhập hoạt động. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng vượt 2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 31% so với nửa đầu năm 2018.

Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng trưởng quá nửa (57%) so với cùng kỳ năm trước lên 1.628 tỷ đồng. Trong khi đó, các mảnh kinh doanh chứng khoán, góp vốn mua cổ phần và lãi từ hoạt động khác giảm lần lượt 83%, 63% và 19% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của nhà băng này cũng tăng 520 tỷ đồng, tương ứng tăng nhẹ 7%. Tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động đạt mức 36,6%, thấp hơn nhiều mức 41,3% nửa đầu năm trước, tương đương mức giảm 4,7 điểm%.

Cùng với đó, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên lợi nhuận thuần của Vietcombank cũng giảm, từ mức 28,8% nửa đầu năm nay xuống mức 22,7% nửa đầu năm trước. Nửa năm, Vietcombank bỏ ra hơn 3.300 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 9.076 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên cao nhất từ trước tới nay của Vietcombank, thậm chí còn ngang ngửa lợi nhuận mục tiêu cả năm của Techcombank - ngân hàng dẫn thứ 2 về vị trí lợi nhuân ngành trong năm 2018 vừa qua.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Vietcombank ở mức 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 695.467 tỷ đồng, tăng 10%.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Vietcombank đến hết ngày 30/6/2019 đạt 77.336 tỷ đồng, tăng 24% sau 6 tháng. Tiền gửi khách hàng ở mức 870.860 tỷ đồng, tăng 9%. Ở mảng huy động vốn, ngân hàng cũng không tăng phát hành giấy tờ có giá trong 6 tháng đầu năm mà chủ yếu huy động vốn từ tiền gửi của khách hàng.

Cùng với đó, nợ xấu của ngân hàng tăng 910 tỷ so với hồi đầu năm lên mức 7.134 tỷ. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu ngân hàng tăng từ 0,98% tại thời điểm cuối năm 2018 lên mức 1,03%. Ngân hàng vẫn tiếp tục giữ số dư trái phiếu VAMC ở mức 0 đồng.

Nợ xấu tại Vietcombank tăng chủ yếu do Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt từ 292 tỷ lên tới 1.670 tỷ, tức tăng tới gần 6 lần. Trong khi đó, nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 có xu hướng giảm.

Tại ngày 30/6, toàn hệ thống Vietcombank có tổng cộng 18.366 nhân viên, tăng 1.151 người so với cuối năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã chi gần 3.946 tỷ đồng (tăng 11,5%) để trả lương và phụ cấp cho nhân viên. Như vậy, ước tính thu nhập bình quân mỗi nhân viên ngân hàng đạt gần 36 triệu/tháng/nhân viên.

Trước đó, tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng này, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ, thực hiện 55% kế hoạch năm 2019. Các chỉ số ROA, ROE đạt tương ứng là 1,62% và 25,2%, tăng so với 2018 và cao hơn mặt bằng chung các tổ chức tín dụng.

Trong nửa đầu năm, huy động vốn của ngân hàng đạt hơn 966.300 tỷ đồng, trong đó huy động vốn thị trường cấp 1 đạt hơn 892.820 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2018.

Dư nợ tín dụng đạt trên 697.240 tỷ đồng, tăng 9,7% so với 2018. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tiếp tục mở rộng từ mức 45,4% cuối năm 2018 lên 48% tại 30/6.

Vietcombank tiếp tục có giá trị vốn hóa lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết và vươn lên là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống ngân hàng. Kết thúc phiên giao dịch 22/7, VCB có giá thị trường 79.000 đồng/cp, tương đương với mức vốn hóa 293.001 tỷ đồng (gần 13 tỷ USD).

So với đầu năm, VCB của Vietcombank đã tăng gần 48% giá trị tương ứng 25.500 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của nhà băng này vì thế cũng được “cộng thêm” hơn 94.976 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD) so với đầu năm.

Riêng trong tuần từ 15/7 đến 22/7, VCB của Vietcombank đã tăng tới trên 7% giá trị, tương ứng 5.300 đồng/cp.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục