Vụ 39 người chết trong container: Thu nhập của người lao động Anh có đáng mơ ước?

28/10/2019 12:13 GMT+7
Hiện cái chết thảm thương của 39 người chết trong container ở Anh vẫn đang được các nhà chức trách làm rõ. Họ là một trong số hàng ngàn người đã thiệt mạng khi cố tìm đường vào Anh và các nước châu Âu những năm qua.

Những cái chết thương tâm

Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (IOM), kể từ khi cuộc khủng hoảng di dân bùng nổ năm 2014, hơn 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển (hơn 17.000 người), hoặc chết đau đớn trong thùng xe tải như 39 nạn nhân được phát hiện mới đây ở Anh.

Từ vụ 39 người chết trong container: Nước Anh là miền đất hứa - Ảnh 1.

Người nhập cư tìm đường sang Anh bằng xe tải. Ảnh:Daily Mail

Năm 2000, 58 di dân Trung Quốc cũng đã thiệt mạng trong một container chở cà chua. Chiếc xe này được phát hiện tại thị trấn Dover của Anh.

Đã từng có những di dân như Carlito Vale, Jose Matada và Mohammed Ayaz được cho là đã ngã và tử nạn từ phần khung gầm của máy bay sau khi trốn ở đó với hi vọng nhập lậu thành công vào Anh.

Đó là những cái chết không phải do tai nạn, cũng không phải chuyện chỉ xảy ra một lần. Rồi ngay cả khi đã tới được Anh an toàn, những người này cũng sẽ vẫn phải đối mặt với gánh nặng từ những chính sách quản trị tại xứ người.

Những năm gần đây, các cơ quan quản lý Anh cũng đã phát hiện, theo dõi và bóc gỡ nhiều đường dây tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp tới Anh. Gần đây nhất, ngày 18/3/2019, đối tượng Egert Kajaci, 35 tuổi, đã bị kết án 4 năm rưỡi tù giam do bị bắt quả tang khi đang lái ô tô chở một số người nhập cảnh trái phép vào Anh từ ngày 3/8/2018.

Cảnh sát cho biết đối tượng Kajaci là thành viên một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh, hoạt động của nhóm này chủ yếu diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8 năm ngoái. Cả 7 thành viên của băng nhóm buôn người này đã bị kết án tổng cộng hơn 30 năm tù vì tội "âm mưu đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh", trong đó có cả người Việt Nam.

Vậy nước Anh có phải là ''thiên đường'' khiến nhiều người bất chấp tính mạng tìm mọi cách để đến?

Thu nhập đáng mơ ước?

Giữa năm 2018, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đã tiến hành khảo sát về thu nhập của 63 thành phố và thị trấn ở nước này. Khảo sát cho thấy tổng cộng có 15 thành phố và thị trấn có thu nhập trung bình mỗi tuần hơn 539 bảng Anh (nghĩa là mức lương trung bình khoảng 28.028 bảng Anh mỗi năm - khoảng 835 triệu đồng).

Nơi có thu nhập cao nhất ở Anh chính là London, mức lương trung bình mỗi tuần cao đến 727 bảng Anh (tương đương 37.804 bảng Anh một năm - khoảng 1,1 tỷ đồng).

Vụ 39 người chết trong container: Thu nhập của người Anh có đáng mơ ước? - Ảnh 2.

Thành phố London là nơi có thu nhập cao nhất nước Anh.

Theo sau là 6 thành phố và thị trấn có mức lương mỗi tuần hơn 600 bảng Anh, trùng hợp là những nơi này đều nằm ở khu vực Đông Nam nước Anh, lần lượt là Reading, Crawley, Milton Keynes, Cambridge, Slough và Oxford.

Ba thành phố và thị trấn Edinburgh, Aberdeen và Derby dựa vào ngành tài chính, ngành khoan dầu và ngành sản xuất, trung bình mỗi tuần cũng thu được gần 600 bảng Anh.

Thị trấn có thu nhập thấp nhất trong danh sách này là Southlend. Thu nhập bình quân mỗi tuần của Southlend là 413 bảng Anh (tương đương 12,3 triệu đồng/tuần)

Vào cuối tháng 9/2019, tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ Anh đang diễn ra tại TP Manchester, Bộ trưởng Tài chính nước này Sajid Javid công bố kế hoạch tăng lương tối thiểu của người lao động lên mức cao nhất trong các quốc gia phát triển trên thế giới.

Theo đó, lương tối thiểu phải trả cho người lao động sẽ tăng lên mức 10,5 bảng Anh/giờ (tương đương 313.000 đồng/giờ), trong khi mức hiện tại là 8,21 bảng Anh/giờ (tương đương 245.000 đồng/giờ).

Từ năm 2016, Chính phủ Anh bắt đầu triển khai chính sách mức lương quốc gia để trả lương tối thiểu cho người lao động từ độ tuổi 25 trở lên. Tính đến tháng 4/2019, người lao động từ 25 tuổi lên được trả 8,21 bảng Anh/giờ. Người lao động trong độ tuổi 21-24 được nhận 7,7 bảng Anh/giờ và mức lương của người lao động từ 18 đến 20 tuổi là 6,15 bảng Anh/giờ, con số này của người lao động 16, 17 tuổi là 4,35 bảng Anh/giờ.

Với mức thu nhập này, nước Anh được xem là "miền đất hứa" đối với nhiều người ở các nước đang phát triển. Họ tìm mọi cách tới Anh với hy vọng "đổi đời" bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp.

Ong Lý
Cùng chuyên mục