Xây dựng nhà chung cư trong khu công nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi
Theo Thông tư 43/2019/TT-BTC hướng dẫn quy định tại khoản 4, điều 24 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/5/2018 về ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/8/ 2019.
Khu công nghiệp VSip 1 Tỉnh Bình Dương
Các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Đối với giá trị tài sản cố định: Được tính vào giá trị công trình và trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng điều kiện là tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Đối với chi phí (trừ trường hợp trên): Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
Sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP, mô hình Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ đây được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp. Trong mô hình này, ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp còn có các khu chức năng khác, như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... để tạo một môi trường sống và làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động. Đây cũng là những đô thị vệ tinh nhằm mục đích giãn dân cư tại các khu trung tâm thành phố vốn đã đông đúc, chật chội.
Công nhân lao động tại các khu công nghiệp những người ít cho nhu cầu mua nhà, chủ yếu là dân nhập cư đến từ nhiều địa phương khác nhau để làm việc tại các khu công nghiệp, khu chết xuất. Sự phát triển ngày càng nhiều các khu công nghiệp kéo theo nhu cầu bức thiết về nhà ở của công nhân.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2019 bất động sản công nghiệp sẽ là xu hướng chủ đạo. Điều này ảnh hưởng từ việc chuyển dịch nhà máy sản xuất tới Việt Nam của các Tập đoàn đa quốc gia sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, đến năm 2020, tổng số công nhân khu công nghiệp đạt khoảng 7,2 triệu người.
Số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.
Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề khu công nghiệp , tạo thành tổng thể một khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi… Mặc dù đã có một số dự án đầu tư nhà ở cho công nhân được triển khai và đưa vào sử dụng nhưng với số lượng lao động thu hút hàng năm ngày càng lớn vào các khu công nghiệp tập trung của tỉnh, nhu cầu thuê nhà vẫn ngày càng tăng.