Xây dựng thương hiệu: Lời giải cho bài toán cá tra mất giá
Sức ép từ đối thủ cạnh tranh
Với mục tiêu đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD trong năm nay, cá tra Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế trên 133 thị trường quốc tế. Với vị thế chi phối hàng đầu, cá tra nói riêng và thủy hải sản Việt Nam nói chung đang không ngừng vươn xa và mở rộng tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên trong quá trình đó gặp phải không ít sự cạnh tranh “bẩn” từ đối thủ.
Sản phẩm cá tra Việt Nam liên tục bị cố ý đưa ra thông tin sai lệch nhằm gây ảnh hưởng đến thương hiệu, hạ uy tín. VASEP cho biết, tại Rumani, trên nhiều tờ báo mạng đã đăng thông tin sai lệch về ngành cá tra Việt Nam. Thậm chí truyền thông còn “chơi xấu” khi khuyến nghị người dân không ăn, tẩy chay cá tra!? “Hiện có khoảng 10 thị trường xuất hiện thông tin mang tính bôi nhọ một chiều, không chính xác về thủy sản Việt”- ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Tuy nhiên đây cũng không phải lần đầu khi vào năm 2017, cá tra Việt Nam cũng “dính phải đòn bẩn” từ một chương trình của đài truyền hình tại Tây Ban Nha phát thông tin không chính xác về cá tra...
Cá tra Việt Nam liên tục bị "chơi xấu" bởi các đối thủ
Bài toán về thương hiệu
Tuy nhiên tất cả những “đòn bẩn” ấy sẽ không thể thực hiện nếu như cá tra Việt Nam có một thương hiệu đủ mạnh.
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Thương hiệu là tên tuổi, là đỉnh cao của chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Thương hiệu còn là sự kết tinh giá trị của sản phẩm, gắn với tình cảm của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Nói cách khác, nó thể hiện sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Như vậy, thương hiệu có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ thương mại".
"Đối với cá tra, đây là sản phẩm có lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất, nâng cao sản lượng. Chính vì vậy, việc xây dựng được thương hiệu là yếu tố mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong thương mại để từ đó tạo dựng được thị trường ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nếu xây dựng được thương hiệu tốt thì sức cạnh tranh sẽ tốt”.
Trên thực tế cá tra Việt Nam chưa xây dựng được một giá trị riêng. Các sản phẩm chủ yếu vẫn là đông lạnh (cá phi lê) nên chưa tạo được bản sắc, giá trị riêng để người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối.
Cá tra Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng đủ mạnh để đứng vững trên thị trường
Bởi vậy, khi các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP có hiệu lực, ngoài việc tận dụng tối đa các nguồn lợi thế, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra cũng phải chú ý và cải tiến “chất” thay “lượng”. Người nuôi trồng, các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi đến chế biến, xuất khẩu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên đầu tư giá trị gia tăng cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...
Để cho ra được những mặt hàng cao cấp, từ khâu chọn giống đến chăm sóc, nuôi trồng đều phải được theo quy trình nghiêm ngặt để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó thì vai trò của nhà nước cũng rất quan trọng trong việc tạo dựng cơ chế chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tạo sân chơi lành mạnh; giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng...