Xuất khẩu gỗ tháng 1 lao dốc, 'bất ngờ' với thị trường Trung Quốc
Xuất khẩu gỗ tháng 1 giảm gần một nửa cùng kỳ năm ngoái
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2023 đạt 806 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 12/2022 và giảm 48,6% so với tháng 01/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 491,7 triệu USD, giảm 43,8% so với tháng 12/2022 và giảm 58,1% so với tháng 01/2022.
Tháng 01/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh do có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và đơn hàng giảm. Nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn đối mặt với lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm, tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành gỗ.
Theo đó, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường đều giảm trong tháng 01/2023. Trong đó, 10 thị trường có quy mô nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam lớn nhất có mức giảm -40% đến -60% đến, thậm chí đến -67%. Trong tháng 1/2023, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 367,3 triệu USD, giảm 60,4%; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 132,9 triệu USD, giảm 1%; Nhật Bản đạt 129,1 triệu USD, giảm 12,9%... "Nhờ" tác động của chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc năm 2022 mà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2023 biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu dự kiến lĩnh vực nhà ở tại Mỹ có thể sẽ vẫn yếu trong năm 2023, khiến nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm, là yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ sẽ chậm lại trong năm 2023.
Đối với thị trường EU, mới đây EU đã đạt được một thỏa thuận về dự luật mới, cấm các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu những sản phẩm nông nghiệp liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu, trong đó có mặt hàng gỗ.
Khi EU áp dụng luật mới, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU gặp nhiều thách thức hơn, nếu ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định mới từ nhà nhập khẩu.
Với tình hình hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan, khi người dân các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát.
Thời gian qua, thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối tăng.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu, EU nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,6 triệu tấn, trị giá 5,5 tỷ Eur (tương đương 5,9 tỷ USD), giảm 13% về lượng, nhưng tăng 11,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Lượng giảm nhưng trị giá tăng do đơn giá nhập khẩu bình quân tăng mạnh. Tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào tăng là yếu tố chính khiến giá thành sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu tăng mạnh. Chi phí này ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ đến cả thời điểm hiện nay.
Trong số các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ ngoài khối, EU nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022, đạt 700 nghìn tấn, trị giá 2,4 tỷ Eur (tương đương 2,6 tỷ USD), giảm 14,2% về lượng nhưng tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là nhập khẩu từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đạt 139,4 nghìn tấn, trị giá 402,3 triệu Eur (tương đương 430,5 triệu USD), tăng 14,1% về lượng và tăng 35,6% về trị giá; Ukraine đạt 123,7 nghìn tấn, trị giá 216,9 triệu Eur (tương đương 232,1 triệu USD), giảm 23,7% về lượng và giảm 9,1% về trị giá; Việt Nam đạt 122,2 nghìn tấn, trị giá 589,4 triệu Eur (tương đương 630,6 triệu USD), tăng 0,5% về lượng và tăng 35,9% về trị giá…
Mặt hàng nhập khẩu: Những mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ EU nhập khẩu chính từ các thị trường ngoài khối trong 10 tháng năm 2022 như đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đều là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, cụ thể lượng nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn từ Việt Nam chiếm 7,4% tổng lượng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn EU nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối; ghế khung gỗ chiếm 13,% tổng lượng ghế khung gỗ; đồ nội thất phòng ngủ chiếm 3,2%. Dư địa thị trường còn nhiều là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị phần tại thị trường EU.