Yahoo còn lại gì?
Yahoo đã đổi tên thành Altaba – một công ty với phần lớn cổ phần thuộc về tập đoàn Alibaba và 35,5% cổ phần tại Yahoo Nhật Bản.
Ký ức mang tên Yahoo...
Ê, mày có nick chát chưa? Nick chát là gì thế? Là một tài khoản trên Yahoo để nói chuyện online với người khác... Hàng chục triệu người ở Việt Nam bắt đầu biết đến Internet nhờ thế.
Mình đã từng ít nhất một lần hẹn hò ai đó cùng online; làm xong bài tập, học thuộc bài để đến điểm truy cập Internet đúng giờ. Sau vài thao tác và một “cú Enter”, cái biểu tượng mặt người ngộ nghĩnh “nở nụ cười” chào đón bạn đến với một thế giới được xem là văn minh, tân tiến nhất lúc bấy giờ. Bởi vậy, chat Yahoo là một phần tuổi thơ của hàng tỷ người trên thế giới.
Bạn biết vì sao không? Vì “cha đẻ” của Yahoo là hai chàng trai trẻ David Fio và Jerry Fang, họ là sinh viên của Đại học danh tiếng Stanford. Niềm tin, thế giới quan, hoài bão lớn nhất của hai anh chàng này là chất liệu “mềm” hình thành nên Yahoo và len lỏi vào tập tính, thói quen của những người sử dụng nó.
Đơn giản thế thôi, nhưng Yahoo bước vào đời sống một cách nhẹ nhàng rồi mang thế giới thực vào không gian ảo một cách dữ dội. Năm 1996, Yahoo lên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của công ty đã tăng 154% sau ngày đầu tiên, chạm mốc 43 USD mỗi cổ phiếu. Hai năm kế tiếp, Yahoo đã trở thành một trong những website được truy cập nhiều nhất thế giới. Năm 2000, cổ phiếu của hãng đạt đỉnh với 457 USD/cp.
Suýt chút nữa cả thế giới là của Yahoo!
Từ khi thành lập đến lúc trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới, Yahoo chỉ mất 4 năm - tốc độ phát triển mà bất cứ startup nào ngày nay đặt mục tiêu tương tự sẽ bị cho là “không bình thường”. Sở dĩ Yahoo có được thành công vĩ đại ấy là nhờ họ điểm đúng “huyệt” của cả thế giới lúc đó: Nhu cầu mở rộng giao tiếp trên một nền tảng hoàn toàn mới.
Chưa có thống kê cụ thể, nhưng hàng vạn điểm truy cập Internet ở Việt Nam đầu thập niên 2000 chủ yếu sống nhờ dịch vụ chat Yahoo, đến nỗi app Yahoo khởi động mặc định khi chiếc máy tính được mở lên.
Khi Yahoo tuyên bố dừng hoạt động, người ta bắt đầu lần lại con đường “tốc chiến tốc thắng” của nó và phát hiện ra rằng, nếu Yahoo mạnh bạo hơn các thương vụ M&A thì bây giờ cả thế giới công nghệ này là của họ!
Khi Yahoo làm mưa làm gió trên thị trường quốc tế, Google mới manh nha đi học việc, hai nhà sáng lập Google định bán startup này để tập trung cho việc học nhưng 3 lần rao, 2 lần dạm ngõ nhà Yahoo với giá lần lượt 3 tỷ USD và 5 tỷ USD đều bị từ chối.
Sau này, những người có tiếng nói quyết định tại Yahoo lấy cớ do giá cả không hợp lý.Năm 2006, nếu mạnh dạn chi thêm...100.000 USD nữa thôi, Yahoo sẽ thâu tóm được Facebook! Lúc đó, CEO Semel của Yahoo ra giá 1 tỷ USD, Mark từ chối, nhưng Ban lãnh đạo Facebook muốn kèo nài thêm chút xíu - 1,1 tỷ USD.
Chỉ một năm sau đó thôi, Yahoo bắt đầu cảm nhận được sai lầm, mảng thư điện tử bị Google giành giật, mảng chat Yahoo bắt đầu lạc hậu hơn Facebook, chưa kể hàng loạt cái tên mạnh bạo khác sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nếu quyết đoán hơn, Yahoo vẫn có thể lãi đậm đà với 44,6 tỷ USD khi Microsoft ngỏ lời mua vào năm 2008 - nhưng một lần nữa các nhà lãnh đạo Yahoo cho rằng, đó là cái giá quá rẻ!
Mười năm sau, khi “sức cùng lực kiệt”, Yahoo đã ngậm đắng khi bàn giao cho nhà mạng Verizon với giá chỉ bằng 1/10 của Microsoft. Dịch vụ Yahoo Messenger cũng chính thức nói lời tạm biệt người dùng vào ngày 17/7/2018.
Như vậy, sau hơn 20 năm tồn tại, Yahoo đã ghi dấu ấn lớn trên bản đồ Internet. Theo The Verge, đáng tiếc khi công ty đã “ngủ quên trên chiến thắng”, chậm thay đổi và không có các chiến lược phù hợp với thời thế, để rồi sớm thất bại và phải bán mình.
BÀI HỌC TỪ YAHOO
Tuổi đời của sản phẩm công nghệ tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ. Có nghĩa là tốc độ phát triển càng nhanh, sản phẩm càng chóng bị “lão hóa”. Nếu không liên tục đổi mới, sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ sẽ sớm bị đào thải như Yahoo.
Yahoo nổi tiếng nhờ kiếm được nhiều tiền nhưng cũng chính tiền làm họ thất bại - điều muốn nói ở đây là khâu nghiên cứu và phát triển, cải tiến công nghệ, dè chừng đối thủ.
Trớ trêu là hầu hết nhân viên, lãnh đạo của Yahoo đều dùng Google để tìm kiếm trên mạng, thay vì công cụ “cây nhà lá vườn”. Yang và Filo không nhận thấy “tìm kiếm” là nhu cầu mang tính bản năng của con người/ khách hàng.
Có lẽ vì “một mình một ngựa” nên Yahoo không có được bản năng phòng thủ sẵn có! Họ mặc sức cho các công ty mới nổi quảng cáo bằng banner ngay trên giao diện tìm kiếm của mình, điều đó mang lại doanh thu khổng lồ. Nhưng quá nguy hiểm khi phụ thuộc vào nguồn thu này, bởi các nhà quảng cáo sẽ sớm nhận ra số tiền họ chi mang về hiệu quả chẳng đáng là bao.
Có một thực tế là nhờ Yahoo, các bộ máy tìm kiếm mới phát triển được. Nhìn thấy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Yahoo, các nhà đầu tư cũng bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh mạng.
Côngt y của họ mua quảng cáo trên Yahoo để kiếm lượt truy cập. Họ chỉ muốn càng nhiều người nhìn thấy nhãn hiệu của mình càng tốt, không kể chất lượng ra sao, khi đủ lông đủ cánh họ “ra riêng” và cạnh tranh ngược trở lại!
Yahoo bây giờ chỉ còn lại hoài niệm trong ký ức, thứ duy nhất còn tồn tại mãi mãi chính là bài học kinh doanh cho tất cả.